Hà Tĩnh: Phát triển rừng bền vững gắn với các quy định pháp luật

Thời gian qua, tại tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức, cá nhân đang tập trung vào việc xây dựng chứng chỉ rừng bền vững (FSC).

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức, cá nhân đang đẩy mạnh phát triển rừng để xây dựng chứng chỉ bền vững (FSC), nhằm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng.

Khảo sát, đánh giá cấp chứng chỉ FSC

Khảo sát, đánh giá cấp chứng chỉ FSC

Tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu tới năm 2030 có khoảng 37.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gồm rừng trồng sản xuất 32.000ha, rừng cao su 5.000ha.

Theo đó, các chủ rừng muốn được công nhận chứng chỉ rừng bền vững FSC cần phải tuân thủ nghiêm ngặt 10 nguyên tắc dùng để đánh giá của tổ chức phi chính phủ này.

Đối với các rừng sản xuất khi có chứng chỉ FSC, sản phẩm sẽ được xuất khẩu các nước trên toàn thế giới.

Đối với các rừng sản xuất khi có chứng chỉ FSC, sản phẩm sẽ được xuất khẩu các nước trên toàn thế giới.

Ông Võ Văn Biển, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thành, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc xây dựng chứng chỉ FSC đã mang lại lợi ích và hiệu quả rất lớn trong công tác phát triển và bảo vệ rừng tại địa phương. Để thực hiện được việc này, tổ chức quốc tế đã đưa ra 10 nguyên tắc thực hiện.

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn được cấp chứng chỉ FSC.

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn được cấp chứng chỉ FSC.

"Năm 2018, tôi bắt đầu tiếp cận chương trình quản lý rừng bền vững để đạt chứng nhận FSC. Khi bắt tay vào làm, tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng may mắn được sự giúp đỡ của tỉnh, huyện, các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế. Đến năm 2023, HTX Nông nghiệp Đại Thành có 11.000 chứng chỉ FSC tại các xã Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2,… đã đạt công nhận chứng chỉ FSC về phát triển rừng bền vững. Việc có chứng chỉ FSC đã nâng cao thu nhập lên 10%, vừa đảm bảo môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động", ông Võ Văn Biển thông tin.

Đặc biệt, tại xã Sơn Tây (nơi có hơn 10.000ha rừng và đất lâm nghiệp), những năm qua cũng đã tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về hiệu quả rừng trồng theo chứng chỉ FSC. Từ đó, diện tích rừng trồng theo mô hình FSC tại địa phương ngày càng tăng lên, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng.

Đoàn kiểm tra đánh giá rừng để cấp chứng chỉ FSC tại rừng của HTX Nông nghiệp Đại Thành.

Đoàn kiểm tra đánh giá rừng để cấp chứng chỉ FSC tại rừng của HTX Nông nghiệp Đại Thành.

"Rõ ràng, việc xây dựng chứng chỉ FSC đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái rừng. Đối với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn, năm 2015 đã được công nhận chứng chỉ FSC với diện tích 1.9867ha.

Đối với các sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng nhận FSC được xuất khẩu đi toàn thế giới, đặc biệt những cánh rừng trồng có chúng nhận FSC thì sẽ có giá trị kinh tế cao hơn 10% so với rừng thông thường", ông Trần Trung Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn thông tin.

Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 30.668,72ha (rừng trồng 11.024,07ha, rừng tự nhiên 19.552,24ha, đất chưa có rừng 92,41ha) được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại 06 đơn vị, tổ chức trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Thạch Hà.

Được biết, rừng đạt chứng nhận FSC không những có thể đem lại rất nhiều lợi ích, góp phần đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm lâm nghiệp của thế giới, mà còn làm cho hoạt động quản lý thêm phần đa dạng, giảm áp lực lên rừng tự nhiên, phát huy, khôi phục và bảo tồn rừng tự nhiên.

FSC là một tổ chức phi chính phủ, thành lập năm 1993, trụ sở chính tại Bonn, CHLB Đức. FSC là hiệp hội của những thành viên đại diện các tổ chức NGOs về môi trường và xã hội, các chuyên gia lâm nghiệp, thương mại gỗ, tổ chức cấp chứng chỉ, v.v. FSC được thành lập để thúc đẩy quản lý rừng bền vững trên toàn cầu. FSC thúc đẩy các doanh nghiệp và khách hàng lên tiếng về những sản phẩm rừng mà họ mua, tạo ra thay đổi tích cực bằng cách kết nối sức mạnh của động lực thị trường.

Hồ Thắng – Quốc Hoàn

Vương Thị Thảo

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-tinh-phat-trien-rung-ben-vung-gan-voi-cac-quy-dinh-phap-luat-204240809090831328.htm