Hướng dẫn quy định xuất nhập khẩu hàng công nghiệp sang thị trường FTA

Sáng ngày 10/9, diễn ra chương trình Tập huấn 'Hỗ trợ, hướng dẫn quy định xuất nhập khẩu hàng công nghiệp đi các thị trường Việt Nam ký kết FTA'.

Sự kiện do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia) tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cũng như cập nhật các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia các FTA với nhiều các quốc gia trên thế giới.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Toàn cảnh buổi tập huấn

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Trần Thị Thanh Hoa - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Thị trường và thương nhân nước ngoài (Sở Công Thương Hà Nội) - cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2024 đang có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 7 tháng đầu năm năm 2024 ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thành phần kinh tế trong nước tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng của thành phố với kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng 59,1% và duy trì tăng ở mức 2 chữ số 15,8%, đạt 6,15 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính của Hà Nội 7 tháng năm 2024 cũng đều có tăng trưởng khả quan. Cụ thể, xuất khẩu của Hà Nội sang các nước ASEAN ước đạt 1,79 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023; sang Mỹ ước đạt 1,76 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,9%, tăng 17%; sang EU ước đạt 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,5%, tăng 10,2%; Trung Quốc ước đạt 1,06 tỷ USD.

Bà Trần Thị Thanh Hoa - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Thị trường và thương nhân nước ngoài (Sở Công Thương Hà Nội) - phát biểu khai mạc buổi tập huấn

Bà Trần Thị Thanh Hoa - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Thị trường và thương nhân nước ngoài (Sở Công Thương Hà Nội) - phát biểu khai mạc buổi tập huấn

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 thị trường, đặc biệt Việt Nam đã ký kết 17 FTA với 60 nền kinh tế trên thế giới. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu.

Thời gian qua, hiệu quả tận dụng cơ hội từ các FTA của các doanh nghiệp Hà Nội mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường các FTA còn rất khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Một phần nguyên nhân do thị trường các nước FTA có tính cạnh tranh rất cao và nhiều thách thức từ các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là các rào cản tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... gọi chung là tiêu chuẩn xanh.

Tại chương trình, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng công nghiệp - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có bài chia sẻ về tình huống áp dụng quy định xuất nhập khẩu hàng công nghiệp và khuyến nghị trong bối cảnh tiển khai FTA; hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu mặt hàng ô tô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP; bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam - đã có bài chia sẻ về hàng rào kỹ thuật - đặc biệt là rào cản xanh với hàng xuất khẩu của Việt Nam và khai thác thông tin về hàng rào kỹ thuật phục vụ xuất khẩu; đại diện VietinBank cũng có bài chia sẻ về giải pháp tài chính cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thanh toán quốc tế.

Thông qua chương trình tập huấn Ban tổ chức kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ thu nhận được những kiến thức hữu ích, cập nhật để áp dụng, triển khai tại doanh nghiệp mình nhằm tận dung được lợi thế mà các FTA mang lại.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huong-dan-quy-dinh-xuat-nhap-khau-hang-cong-nghiep-sang-thi-truong-fta-344717.html