Hà Tĩnh sắp đấu giá 6 mỏ khoáng sản
Sáu mỏ khoáng sản của Hà Tĩnh sắp đấu giá đều nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hứa hẹn thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Hoạt động đấu giá được tổ chức nhằm khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và công bằng...

Ảnh minh họa
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh công bố thông tin đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2025, bao gồm 6 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Mỏ đất san lấp Thạch Xuân 1 nằm tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, với diện tích 16 ha và tài nguyên dự báo đạt 2,5 triệu m3. Hiện trạng đất tại đây thuộc quy hoạch rừng sản xuất, đang để trống, do các hộ gia đình quản lý. Thời gian khai thác mỏ không quá 2 năm. Đây là một trong những mỏ có mức giá khởi điểm 628.681.000 đồng, đòi hỏi vốn chủ sở hữu tối thiểu là 49,317 tỷ đồng để tham gia đấu giá.
Mỏ đất san lấp Hà Linh 1 thuộc xã Hà Linh, huyện Hương Khê, cũng có diện tích 16 ha. Tài nguyên dự báo tại đây đạt 2,358 triệu m³. Đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất, hiện chủ yếu trồng keo và một số diện tích cao su, do Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quản lý. Thời gian khai thác mỏ này không quá 3 năm, với giá khởi điểm là 561.763.000 đồng, vốn chủ sở hữu yêu cầu tối thiểu là 46,516 tỷ đồng.
Tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, có hai mỏ được đấu giá là mỏ đất san lấp Phú Lộc 1 và Phú Lộc 4. Mỏ Phú Lộc 1 có diện tích nhỏ, chỉ 3,48 ha, tài nguyên dự báo đạt 525 nghìn m³. Hiện trạng đất là đất rừng sản xuất, trồng keo, do các hộ gia đình quản lý.
Giá khởi điểm 132.023.000 đồng, yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu là 10,356 tỷ đồng. Mỏ Phú Lộc 4 có diện tích lớn hơn, 10 ha, tài nguyên dự báo đạt 1 triệu m³. Đất đồi núi tại đây thuộc diện trồng keo, chưa có đường vào khu mỏ, cách đường tỉnh DDT554 khoảng 360 m. Giá khởi điểm là 251.472.000 đồng, vốn chủ sở hữu yêu cầu tối thiểu là 19,727 tỷ đồng.
Mỏ đá xây dựng khu vực khe Chợ thuộc xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh có diện tích 15 ha và tài nguyên dự báo đạt 3 triệu m³. Đất tại đây chủ yếu là đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch sản xuất và một phần đất ngoài quy hoạch rừng, do các hộ gia đình và UBND xã quản lý. Giá khởi điểm mỏ này là 2,150 tỷ đồng, yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu 71,905 tỷ đồng trong tổng số vốn 119,241 tỷ đồng cần có.
Mỏ đá xây dựng núi Nắp Trình, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, là mỏ có diện tích lớn nhất, 18,33 ha, tài nguyên dự báo đạt 3,6 triệu m³. Đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất, có rừng trồng keo và thông, do Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Phố quản lý. Giá khởi điểm mỏ này là 2,580 tỷ đồng, yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu 86,286 tỷ đồng trong tổng số vốn 143,089 tỷ đồng.
Hồ sơ tham gia đấu giá được tiếp nhận từ ngày 15/4/2025 đến ngày 7/5/2025 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh, số 857 đường Trần Phú, phường Thạch Trung, TP Hà Tĩnh. Người tham gia cần nộp phiếu trả giá, hồ sơ năng lực, kinh nghiệm cùng với các giấy tờ chứng minh vốn chủ sở hữu theo yêu cầu từng mỏ.
Phiên đấu giá sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút ngày 22/5/2025, sử dụng hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp và phương thức trả giá lên. Người tham gia cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phiếu trả giá. Mỗi phiếu trả giá phải ghi đầy đủ thông tin, không bị tẩy xóa, giá trả không thấp hơn giá khởi điểm và phải theo nguyên lần bước giá. Phiếu trả giá hợp lệ sẽ được bỏ vào phong bì niêm phong, có chữ ký tại mép phong bì.
Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải đảm bảo đủ điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm khai thác và thiết bị. Ví dụ, mỏ Thạch Xuân 1 yêu cầu tối thiểu 6 máy xúc có gàu từ 1,25 m³ trở lên. Mỗi mỏ có tiêu chuẩn riêng về thiết bị và vốn đầu tư. Nếu một tổ chức tham gia đấu giá từ hai mỏ trở lên thì tổng vốn và số lượng máy phải đạt yêu cầu của tất cả các mỏ.
Hoạt động đấu giá này không chỉ là cơ hội khai thác tài nguyên mà còn giúp tỉnh Hà Tĩnh hạ nhiệt cơn sốt khoáng sản làm vật liệu xây dựng đang diễn ra.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ha-tinh-sap-dau-gia-6-mo-khoang-san.htm