Hà Tĩnh sẽ được tuyển dụng hơn 1.000 giáo viên trong năm học 2020 - 2021
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh cho biết, tỉnh tiếp tục điều động biệt phái từ nơi thừa đến nơi thiếu và có kế hoạch bổ sung thêm hơn 1.000 giáo viên bậc tiểu học, mầm non trong năm học 2020-2021.
Sáng nay (15/9), Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và đại diện lãnh đạo các ban, ngành cùng dự.
Củng cố đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 628 trường học, giảm 72 cơ sở giáo dục công lập so với năm học 2019-2020 (trong đó, mầm non giảm 29 trường, tiểu học giảm 39 trường, THCS 3 giảm trường, THPT giảm 01 trường); giảm 10,1% cơ sở giáo dục công lập so với năm 2015 - vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Quỳnh Diệp báo cáo kết quả năm học 2019-2020, phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021.
Năm học vừa qua, các cấp cũng đã tuyển dụng hơn 1.000 giáo viên bậc tiểu học, mầm non, THPT theo các quyết định của tỉnh.
Dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hà Tĩnh giữ vững vị trí tốp đầu về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia năm 2020 với 89/100 học sinh tham gia dự thi đạt giải (chiếm tỷ lệ 89%).
Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Hà Nguyễn Thị Thanh Nga: Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới là yếu tố để Thạch Hà tự tin thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức an toàn, đúng quy chế và đạt kết quả cao. Tỷ lệ tốt nghiệp là 99,1%, có 154 bài thi đạt điểm 10 ở các môn thi; điểm bình quân các môn của học sinh Hà Tĩnh xếp cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và lớp 1 nói riêng được thực hiện đồng bộ, bài bản với quyết tâm cao, đảm bảo theo đúng sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo: Huyện miền núi mong nhận được sự quan tâm của tỉnh để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học trong tình hình mới.
Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác thực hiện nhiệm vụ năm học mới. Đặc biệt là những trăn trở trong việc thiếu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp…
Nhiều địa phương cho rằng, Sở GD&ĐT cần góp ý với Sở Nội vụ về vấn đề tuyển dụng, hợp đồng giáo viên phù hợp với tình hình thực tế dạy và học tại các địa phương. Việc bố trí nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sau sáp nhập còn hạn chế, công tác quy định trường chuẩn còn nhiều bất cập...
Tiếp tục rà soát, bổ sung đội ngũ giáo viên
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chúc mừng, ghi nhận những nỗ lực mà ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được trong năm học đầy khó khăn và thử thách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, việc rà soát, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu công việc cần được chú trọng. Ngoài việc tiếp tục điều động biệt phái từ nơi thừa đến nơi thiếu, tỉnh cũng đã có kế hoạch bổ sung thêm hơn 1.000 giáo viên bậc tiểu học và mầm non trong năm học này.
Cùng với đó, ngành tiếp tục chú trọng tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1; thực hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên; phát huy đội ngũ giáo viên cốt cán ở các nhà trường, cấp huyện và cấp tỉnh để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tiếp theo.
Năm học này cũng là năm mở đầu cho một nhiệm kỳ mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương của bộ, các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh về giáo dục; đặc biệt là Nghị quyết số 96 của HĐND tỉnh.
Trong đó, chú trọng việc chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức, sắp xếp các trường học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, đầu tư các công trình nước sạch, vệ sinh trong các nhà trường...
Năm học 2020-2021 diễn ra trong tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn, vì thế, bên cạnh công tác chuyên môn, ngành giáo dục cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong các nhà trường để đảm bảo trường lớp an toàn.
Dịp này, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT tặng hoa chia tay các đồng chí lãnh đạo ngành giáo dục nghỉ hưu trong năm học vừa qua