Hà Tĩnh tăng cường đưa Luật Biên phòng tới ngư dân, giáo viên, học sinh
Thời gian qua, BĐBP Hà Tĩnh đã tăng cường phối hợp các cấp, ngành tuyên truyền về Luật Biên phòng tới người dân, giáo viên, học sinh ở các địa bàn.
Đầu tháng 3/2023, các báo cáo viên của BĐBP Hà Tĩnh đã về Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) để tuyên truyền về chủ đề biển đảo và Luật Biên phòng cho gần 1.400 em học sinh theo chương trình “Em yêu biên đảo quê hương”.
Qua chương trình ngoại khóa này, thầy và trò toàn trường đã hiểu thêm về tình hình Biển Đông, những căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, Luật Biên phòng Việt Nam, vai trò của BĐBP và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển...
Em Nguyễn Thị Cẩm Ly - học sinh lớp 10A6 (Trường THPT Cẩm Bình) chia sẻ: “Các chú biên phòng đến trường để tuyên truyền về biển đảo, kiến thức pháp luật về biên phòng chúng em thấy rất ý nghĩa. Những buổi sinh hoạt này giúp chúng em có thêm nhận thức, hiểu biết và bồi đắp về tình yêu biển đảo, trách nhiệm của mỗi người trong việc thực hiện sứ mệnh thiêng liêng.
Riêng với bản thân, em sẽ lan tỏa tinh thần buổi ngoại khóa này đến với người thân, bạn bè và cố gắng học tập để tương lai có thể góp một phần sức trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Để đưa Luật Biên phòng đi vào cuộc sống, cuối tháng 3/2023, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương cũng đã phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử Hà Tĩnh, chủ quyền biển đảo và các nội dung chính của Luật Biên phòng.
Tại cuộc thi, 160 thí sinh là đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn thị xã đã sôi nổi tranh tài bằng cách giao lưu, học hỏi và thể hiện được những kiến thức, hiểu biết của mình. Những kiến thức pháp lý, các vấn đề về biên giới biển và chủ quyền lãnh thổ cũng được lan tỏa đến hàng trăm giáo viên, học sinh.
Em Mai Thị Minh Phương - học sinh lớp 12A, Trường THPT Kỳ Anh (thí sinh giải nhất cuộc thi) vui mừng chia sẻ: “Tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” này, em đã có cơ hội tốt để mở mang kiến thức, hiểu biết về biên giới, biển đảo, lực lượng biên phòng, công tác bảo vệ đường biên, cột mốc...
Thời gian qua, ngoài học ở trường em còn đọc thêm sách, báo, lên mạng internet tìm kiếm thêm các thông tin có liên quan, nhất là những kiến thức mới có trong Luật Biên phòng Việt Nam. Những kiến thức này không chỉ giúp em có kiến thức để giành giải nhất cuộc thi mà còn trang bị cho em những kiến thức quan trọng, ý nghĩa để phục vụ cho cuộc sống".
Để Luật Biên phòng đi vào cuộc sống, thời gian qua, tất cả các đồn, trạm biên phòng trên 2 tuyến biên giới đã chủ trì, phối hợp để tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung chính của bộ luật.
Hoạt động tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục, sâu rộng, bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị tập huấn triển khai luật, lồng ghép vào các hội nghị hay các cuộc sinh hoạt cộng đồng; bằng tờ rơi, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Các đơn vị hoạt động nổi bật nhất là Phòng Chính trị BĐBP tỉnh, Đồn Biên Phòng Lạch Kèn, Đồn Biên phòng Cửa Sót, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Đồn Biên Phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Đồn Biên phòng Sơn Hồng, Đồn Biên phòng Bản Giàng...
Thiếu tá Hồ Văn Hạ - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết: “Ngay khi Luật Biên phòng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2022), chúng tôi đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp huyện và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở với 910 người tham gia.
Ngoài ra, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, về giúp dân xây dựng NTM, tham gia các cuộc sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động dân vận khác, CBCS trong đơn vị cũng đã thực hiện hiện hơn 50 cuộc tuyên truyền quy mô nhỏ lẻ, mỗi cuộc từ 10-20 người để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về bộ luật quan trọng này”.
Tương tự Lộc Hà, tất cả 9 huyện, thị xã có đường biên giới ở Hà Tĩnh đều đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về Luật Biên phòng cùng các thông tư, hướng dẫn, văn bản có liên quan cho khoảng 6.000 lượt cán bộ cốt cán (cấp huyện 1-2 cuộc/huyện, cấp xã 3-5 cuộc/huyện).
Ngoài ra, mỗi đơn vị biên phòng trên 2 tuyến biên giới cũng đã tổ chức được 2-3 cuộc tuyên truyền tập trung, hàng chục cuộc lồng ghép, nhỏ lẻ cho hàng chục nghìn lượt người được tiếp thu.
Thượng tá Hồ Năng Bảo, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Tĩnh đánh giá: "Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng đã được toàn lực lượng quan tâm, thực hiện liên tục, đồng bộ và hiệu quả. Trong quá trình đưa luật vào cuộc sống, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, trường học... cũng đã có sự quan tâm, phối hợp khá tốt.
Nhờ vậy, cán bộ, đảng viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã từng bước được tiếp cận được các nội dung cơ bản của luật và hiểu rõ hơn về vai trò, chức trách, nhiệm vụ của BĐBP. Qua đó, giúp lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ bảo vệ biên giới tốt hơn, công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia đạt kết quả cao hơn”.
Luật Biên phòng Việt Nam có 5 chương, gồm: những quy định chung; hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng BĐBP; đảm bảo biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng; điều khoản thi hành.
Trong 36 điều của luật có những điều đặc biệt quan trọng như: chính sách Nhà nước về biên phòng (Điều 3); nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 4); lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 6); nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân (Điều 9); vị trí, chức năng của BĐBP (Điều 13); nhiệm vụ của BĐBP (Điều 14); quyền hạn của BĐBP (Điều 15); phạm vi hoạt động của BĐBP (Điều 16)...