Hà Tĩnh thực hiện chủ trương 'Bình dân học vụ số'
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua 'Bình dân học vụ số' phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương, đơn vị, hướng tới thực hiện mục tiêu phổ cập chuyển đổi số toàn dân.
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả một số nội dung quan trọng về chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, hạn chế: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ; hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin chưa được đầu tư đồng bộ; kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển kinh tế số còn tự phát, quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao; nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn thiếu; an toàn thông tin trên không gian mạng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Ngày 18/11/2024, phát biểu tại cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh 3 vấn đề để thực hiện đột phá nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới, trong đó có nội dung: Phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo đó, “Bình dân học vụ số” được xem là giải pháp đột phá, cấp bách, quyết tâm, quyết liệt với mục đích trong thời gian ngắn phải cung cấp kiến thức trong hoạt động số hóa theo hình thức “Bình dân học vụ”, đảm bảo tất cả các tầng lớp Nhân dân đều hiểu biết cơ bản và có kỹ năng ứng dụng công nghệ số vào đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần thực hiện thành công trong công tác chuyển đổi số.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương “Bình dân học vụ số” và các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; khuyến khích cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực học tập, cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Bình dân học vụ số” phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương, đơn vị, hướng tới thực hiện mục tiêu phổ cập chuyển đổi số toàn dân.
2. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số, có chính sách hỗ trợ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
3. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch tổ chức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trong các cấp, các ngành và toàn dân. Chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung đầu tư nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số hằng năm, xác định chỉ tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực và thời gian hoàn thành; phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số; khen thưởng kịp thời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chuyển đổi số và thực hiện phong trào thi đua “Bình dân học vụ số”. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân các kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ số hiệu quả và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.
- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hằng năm tổ chức đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của phong trào “Bình dân học vụ” để tham mưu, đề xuất giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp, triển khai, nhân rộng phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong thực hiện phong trào trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai phát động phong trào thi đua “Bình dân học vụ số” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn ngành; quan tâm lựa chọn và đưa nội dung chuyển đổi số vào chương trình giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học, bậc học. Trường Đại học Hà Tĩnh tiếp tục triển khai đại học số và xây dựng học liệu số. Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng nâng cao năng lực đào tạo về công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.
4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân. Tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương“Bình dân học vụ số” gắn với thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án chuyển đổi số của Ủy ban nhân dân tỉnh và các chủ trương, chính sách liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số, phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân. Quan tâm nắm bắt, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số.
5. Các ngành, lĩnh vực đẩy nhanh việc chuyển đổi số, chú trọng lựa chọn lĩnh vực, mũi đột phá trong chuyển đổi số theo hướng đơn giản, tiết kiệm, dễ tiếp cận, hiệu quả kinh tế cao và phù hợp thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, quan tâm thu hút nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số hướng đến mục tiêu đảm bảo thống nhất, hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp với quyền lợi của người dân, khách hàng.
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp căn cứ tính chất, nhiệm vụ, nội dung của phong trào thi đua để phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Bình dân học vụ số”; xây dựng các mô hình về chuyển đổi số nói chung và “Bình dân học vụ số” nói riêng nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội; tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số. Tận dụng tối đa chuyển đổi số để quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh; về giá trị văn hóa và con người Hà Tĩnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
7. Các đồng chí Trưởng đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tại các địa phương, cơ sở kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương “Bình dân học vụ số”; chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn, đơn vị phụ trách.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ha-tinh-thuc-hien-chu-truong-binh-dan-hoc-vu-so-post279300.html