Hà Tĩnh thực hiện tốt bố trí cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp đơn vị hành chính

Giai đoạn 2019-2021, Hà Tĩnh sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã với số lượng cán bộ, công chức dôi dư khá đông. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và lộ trình cụ thể, tỉnh đang thực hiện hiệu quả nội dung này.

Căn cứ Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2021 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp 80 đơn vị, giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới.

Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh có 216 ĐVHC cấp xã. Thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, Hà Tĩnh dôi dư 798 cán bộ, công chức cấp xã, 377 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

 Đoàn công tác Bộ Nội vụ đi khảo sát tại các xã liên quan đến sắp xếp mở rộng địa giới ĐVHC thành phố Hà Tĩnh, giai đoạn 2023-2025.

Đoàn công tác Bộ Nội vụ đi khảo sát tại các xã liên quan đến sắp xếp mở rộng địa giới ĐVHC thành phố Hà Tĩnh, giai đoạn 2023-2025.

Ông Bùi Quang Dương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: “Tỉnh đã tập trung rà soát và ban hành các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí và giải quyết số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư khi triển khai thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 144-KL/TU ngày 28/8/2019 về thẩm quyền, cơ cấu, số lượng, quy trình lựa chọn nhân sự và sắp xếp cán bộ khi thực hiện sáp nhập các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2021.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố (sau đó được thay thế bởi Nghị quyết số 258/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh); Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND ngày 20/8/2019 về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh giai đoạn 2019 - 2021”.

Các cán bộ, công chức sau sắp xếp ĐVHC cấp xã ở Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ (Trong ảnh: Cán bộ, công chức xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên)).

Các cán bộ, công chức sau sắp xếp ĐVHC cấp xã ở Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ (Trong ảnh: Cán bộ, công chức xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên)).

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết dôi dư theo từng nhóm đối tượng. Theo đó, ngay sau khi có nghị quyết sắp xếp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thực hiện sắp xếp cán bộ toàn tỉnh có 6 người nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH; 72 người nghỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế; 12 người bố trí sang xã khác làm việc. Ngoài ra, số lượng dôi dư còn lại được giải quyết theo lộ trình từ năm 2020 đến năm 2024 bằng các cách thức trên và thực hiện tiếp nhận vào làm công chức cấp tỉnh, cấp huyện đối với cán bộ, công chức cấp xã đủ điều kiện theo quy định.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thực hiện nghỉ công tác hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND. Tổng kinh phí giải quyết chế độ, chính sách và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư cho sắp xếp ĐVHC cấp xã là 96 tỷ 495 triệu đồng.

Có thể thấy, với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp ĐVHC cấp xã rất lớn nhưng đến nay tỉnh đã thực hiện khá hiệu quả nội dung này. Tính đến tháng 9/2024, số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp ĐVHC cấp xã ở Hà Tĩnh còn 58 người; không còn dôi dư người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

 Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp lại tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. (Trong ảnh: Cán bộ Hội nông dân huyện Đức Thọ và xã Tân Dân kiểm tra quy trình xử lý rạ bằng bột vi sinh).

Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp lại tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. (Trong ảnh: Cán bộ Hội nông dân huyện Đức Thọ và xã Tân Dân kiểm tra quy trình xử lý rạ bằng bột vi sinh).

Đức Thọ là một trong những địa phương có số lượng lớn cán bộ dôi dư sau sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019-2021. Toàn huyện sắp xếp 28 xã, thị trấn, còn lại 16 xã, thị trấn; dôi dư tổng gần 400 cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách. Để thuận lợi cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy các xã, thị trấn sáp nhập, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị bố trí 172 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm ở xã và thôn xóm; tuyên truyền, vận động 242 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi theo các nghị định, hướng dẫn.

 Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp ở huyện Đức Thọ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp ở huyện Đức Thọ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Ông Nguyễn Thành Đồng - Bí thư Huyện ủy Đức Thọ chia sẻ: “Qua hơn 3 năm công tác, đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp lại đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm, lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Người đứng đầu huyện Đức Thọ cho biết, hiện nay, số lượng cán bộ, công chức còn dôi dư sau sắp xếp còn 30 cán bộ, công chức. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, quán triệt thường xuyên trong các cuộc họp, hội nghị về việc tập trung giải quyết cán bộ dôi dư theo kế hoạch của các địa phương đã đề ra; trong xem xét, thực hiện các quy trình công tác tổ chức cán bộ mới luôn đặt ưu tiên hàng đầu để giải quyết cán bộ, công chức dôi dư. Việc sắp xếp bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, tinh giản biên chế được thực hiện đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công tâm, có xác định lộ trình cụ thể phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên rà soát, tuyên truyền, vận động cán bộ nghỉ hưu trước tuổi để hưởng các chế độ theo quy định; đồng thời đề xuất tỉnh tiếp tục quan tâm điều chuyển, bố trí cán bộ, công chức dôi dư sang các huyện, thị khác phù hợp đang có nhu cầu hoặc điều động lên huyện công tác nếu còn biên chế phù hợp vị trí việc làm; tiếp tục đề xuất Trung ương, tỉnh ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập.

 Kết quả sắp xếp cán bộ dôi dư giai đoạn 2019-2021 là bài học quan trọng để tỉnh tiếp tục sắp xếp cán bộ dôi dư sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025. (Trong ảnh: lãnh đạo Sở Nội vụ và huyện Thạch Hà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri thôn Tân Văn, xã Thạch Văn về việc sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025).

Kết quả sắp xếp cán bộ dôi dư giai đoạn 2019-2021 là bài học quan trọng để tỉnh tiếp tục sắp xếp cán bộ dôi dư sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025. (Trong ảnh: lãnh đạo Sở Nội vụ và huyện Thạch Hà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri thôn Tân Văn, xã Thạch Văn về việc sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025).

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Quang Dương cho biết thêm: “Việc giải quyết số cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn do cán bộ, công chức cấp xã đã được chuẩn hóa theo quy định. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, sự quyết liệt và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đã nỗ lực sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư đảm bảo theo đúng lộ trình; quá trình thực hiện không xảy ra đơn thư, khiếu nại, tố cáo; các cán bộ, công chức cấp xã được bố trí sau sắp xếp đã phát huy năng lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Kết quả này cũng là bài học quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn dôi dư do sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát để thực hiện việc đề nghị tiếp nhận làm công chức, viên chức cấp huyện nếu đủ điều kiện; điều động sang các xã khác còn thiếu vị trí phù hợp; vận động nghỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế để đảm bảo về đúng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo đúng quy định.

Hà Linh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ha-tinh-thuc-hien-tot-bo-tri-can-bo-cong-chuc-cap-xa-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post276323.html