Hà Tĩnh: Tổng công ty 36 chậm tiến độ dự án đường liên xã tại Hương Sơn

Ngoài thiệt hại khi phải trả lãi vay, ngân sách tỉnh Hà Tĩnh còn phải đối ứng trong công tác giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, thuế… vì dự án Tổng công ty 36 thi công chậm tiến độ gây ra.

Công trình xây dựng đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) thuộc gói thầu HT07, do Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp (CTDD&CN) tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Dự án có chiều dài 9,7km, khởi công vào tháng 9/2020, với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng ADB và đối ứng ngân sách địa phương.

Theo hợp đồng số 99/2020/HĐXL-DDCN ngày 20/7/2020 và các phụ lục kèm theo đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công Tổng Công ty 36 - CTCP (Bộ Quốc phòng), công trình đường liên xã trên phải hoàn thành trước ngày 30/3/2022.

Chỉ còn 15 ngày để bàn giao công trình nhưng khối lượng nhà thầu thi công tại tuyến đường liên xã Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến, đến thời điểm này dự án mới chỉ thực hiện được gần 50%, các hạng mục công trình đều chậm tiến độ, giang dở, chắp vá, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, môi trường sống của người dân địa phương.

PV Tài chính Doanh nghiệp đã liên hệ đến ông Bùi Huy Cường, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng CTDD&CN Hà Tĩnh về sự việc trên, ông Cường xác nhận: Tổng Công ty 36 - CTCP đã chậm tiến độ thi công ở nhiều hạng mục công trình và không thể hoàn thành đúng thời hạn được.

Theo vị Giám đốc trên, do nhà thầu chậm tiến độ nên nguy cơ phải chuyển nguồn sang dự án khác, ảnh hưởng đến việc tiền nhà nước vay phải trả lãi. Ngoài thiệt hại khi phải trả lãi vay, ngân sách tỉnh Hà Tĩnh còn phải đối ứng trong công tác giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, thuế…

Ngoài ra, quá trình thi công chậm khiến các cống, mương dẫn nước vào đất sản xuất nông nghiệp bị ách tắc, gây khó khăn cho hoạt động canh tác của bà con...

G36 tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp 36 trực thuộc Bộ Quốc phòng, thành lập năm 1996. Đây là một nhà thầu đa năng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Sau nhiều năm tạo dựng được thương hiệu dưới sự lãnh đạo của doanh nhân, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, vào tháng 4/2016, TCT 36 đã tổ chức phiên đấu giá 10% cổ phần ra công chúng với giá đấu thành công bình quân 15.102 đồng/CP.

Bên cạnh đó, TCT 36 cũng đã bán ra 42,21% vốn điều lệ cho 2 cổ đông chiến lược là Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc (32,9% vốn) và Công ty CP Vận tải và Thương mại Anh Quân (9,3% vốn). Giá bán cho hai nhà đầu tư chiến lược là 10.000 đồng/CP.

Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc được thành lập vào năm 2003, với các cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Văn Hiền (em trai ông Giáp) nắm giữ 87% và vợ là Hà Thanh Vân 8,752%.

Còn Công ty Vận tải và Thương mại Anh Quân được thành lập năm 2008 bởi ông Nguyễn Đăng Ngọ (em trai ông Giáp), người nắm giữ 38,5%; số cổ phần còn lại thuộc về Phạm Thị Thu Hiền và Nguyễn Thúc Kiều.

Như vậy, sau đợt bán vốn này, Bộ Quốc phòng nắm giữ 40% vốn điều lệ của TCT 36; Trường Lộc nắm giữ 32,91%; Anh Quân 9,3% và Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện 9,87%.

Đầu tháng 6/2017, TCT 36 quyết định phát hành 57 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 936 tỷ đồng.

Theo Báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm 2019 của Tổng công ty 36, ông Nguyễn Đăng Giáp đang là cổ đông lớn nhất tại đây với việc nắm giữ hơn 12,5 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ 13,36%. Hai người em trai của ông Giáp là ông Nguyễn Văn Hiền nắm giữ 12,27% và ông Nguyễn Đăng Thuận (12,86%). Đáng chú ý, cuối năm 2019, ông Nguyễn Văn Hiền đã ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT G36 thay cho ông Nguyễn Đăng Giáp, còn ông Giáp hiện vẫn giữ chức Tổng giám đốc tại đây.

Cùng trong năm 2019, G36 đã ban hành một loạt nghị quyết thoái vốn khỏi công ty con, cụ thể: Thoái vốn đã góp tại CTCP 36.62;CTCP 36.64; CTCP 36.66 và hủy góp vốn tại CTCP 36.68. Đồng thời, G36 cũng có quyết định góp 150 tỷ đồng thành lập CTCP Đầu tư 36 Homes.

Năm 2020, TCT 36 cũng dính lùm xùm tại dự án B6 Giảng Võ khi chưa được cơ quan chức năng ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng chủ đầu tư dự án B6 Giảng Võ đã coi thường pháp luật “vội vàng” cho công trình vào sử dụng, đưa một số hộ dân vào ở nhiều ngày nay. Điều đáng nói, những vi phạm của Tổng công ty 36 – CTCP (Bộ Quốc phòng) xảy ra trong thời gian dài, nhưng không được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.

Ông Bùi Huy Cường, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng CTDD&CN Hà Tĩnh: “Hiện chủ đầu tư đã cho nhà thầu tạm ứng và giải ngân theo khối lượng hơn 31 tỷ đồng.

Trước khi được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, ông Bùi Huy Cường (sinh ngày 11/8/1968) là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc nhiệm kỳ 2021-2026. Thời hạn giữ chức vụ đối với tân Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh là 5 năm.

Thành Nam

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ha-tinh-tong-cong-ty-36-cham-tien-do-du-an-duong-lien-xa-tai-huong-son-d28321.html