Hà Tĩnh: Uẩn khúc trong vụ án nhóm thanh niên giết người trên quốc lộ 1A
Chỉ vì không tìm được tiếng nói chung trong mối quan hệ làm ăn, nhóm thanh niên ở Hà Tĩnh đã tổ chức truy đuổi và gây ra cuộc hỗn chiến với đối thủ cùng kinh doanh. Hậu quả là khiến một người chết, nhưng ngay trong phiên tòa xét xử gia đình người bị hại vẫn không đồng tình với bản án vì cho rằng còn nhiều uẩn khúc của vụ việc chưa được làm sáng tỏ.
Hành vi giết người của nhóm thanh niên
Vừa qua, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử và tuyên án đối với 8 bị cáo gây ra vụ ra vụ hỗn chiến trên quốc lộ 1A (thuộc địa bàn Hà Tĩnh), khiến 1 người tử vong. Nạn nhân là anh Đ.N.T (31 tuổi, trú tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Vụ án được xét xử trong 2 ngày 10/10 và 11/10.
Theo bản án sơ thẩm số: 46/2019/HSST ngày 11/10, bị cáo cầm đầu vụ án là Nguyễn Tùng Lâm (34 tuổi, trú tại phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị tuyên phạt 8 năm tù về tội giết người; 7 bị bị cáo còn lại tham gia hỗ trợ Lâm lãnh từ 4 năm đến 7 năm tù về tội giết người và cố ý hủy hoại tài sản, gồm: Nguyễn Quốc Thảo (31 tuổi, em trai Lâm), Đào Văn Cảnh và Phạm Anh Tuấn (đều 39 tuổi, trú cùng phường với Lâm), Nguyễn Văn Giáp (25 tuổi, trú tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Trần Công Tiến (42 tuổi), Đào Văn Lượng (22 tuổi) và Võ Việt Hưng (27 tuổi, cùng trú tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Theo cáo trạng, vào tháng 4/2018, anh Nguyễn Xuân Thông (31 tuổi, trú tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vào xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) mở Công ty Đại Tín kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tới tháng 9/2018, Lâm cũng mở công ty TNHH thương mại tổng hợp Tùng Lâm kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Sau một thời gian vào chiều ngày 16/10/2018, anh Thông điều khiển xe ô tô chở theo Đ.N.T đi vào công ty Đại Tín. Khi đến nơi, anh Thông thấy công ty Tùng Lâm bên cạnh công ty mình nên Thông cùng T. vào đây để nói chuyện.
Tại công ty Tùng Lâm, anh Thông và anh T. không gặp được giám đốc nên đã yêu cầu nhân viên gọi điện nói chuyện với chủ của công ty là bị cáo Lâm. Sau cuộc điện thoại, anh Thông và Đ.N.T ngồi chờ nhóm của Lâm khoảng 15 phút rồi hai người đi theo quốc lộ 1A hướng vào thị xã Kỳ Anh. Biết anh Thông đang trên đường vào xã Kỳ Anh, Thảo điều khiển xe bán tải cùng 3 người bạn là Tuấn, Tiến, Giáp đi tìm nhóm đối phương để dằn mặt. Nghe tin, Cảnh, Lượng và Hưng điều khiển xe ô tô khác đi tìm nhóm của Lâm để hỗ trợ.
Trên đường truy đuổi, anh Thông đã 2 lần lái xe chuyển hướng để tránh né sự săn lùng của các bị cáo nhưng bất thành. Khi xe của anh Thông chạy trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) bị xe ô tô chở nhóm của Lâm đâm mạnh vào đầu xe chặn lại. Lúc này, anh Đ.N.T xuống xe cầm khẩu súng bắn đạn bi bằng lực đẩy của khí nén (thuộc đồ chơi nguy hiểm bị cấm) chạy ra phía sau đuôi xe của anh Thông và chĩa về nhóm đối phương dọa bắn.
Thấy vậy, nhóm của Lâm lao vào khống chế và dùng dao, kiếm chém vào người Tuấn khiến nạn nhân gục tại chỗ, khẩu súng rơi xuống đường. Chưa dừng lại Cảnh, Lượng và Hưng tới nơi thì thấy Đ.N.T nằm trên đường nhưng vẫn tiếp tục lao vào đấm, đá, dùng kiếm, dao đâm chém cho đến khi nạn nhân gục hẳn xuống đường.
Sau khi gây án, nhóm của Lâm lên xe rời khỏi hiện trường. Khoảng 5 phút sau lực lượng Công an huyện Kỳ Anh đến hiện trường. Tại hiện trường, Công an huyện Kỳ Anh khóa tay, khống chế anh Đ.N.T. Sau đó, khi thấy anh T bị thương nên đã đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng T đã tử vong do bị đa chấn thương và chấn thương sọ não. Đến ngày 18/10/2018, nhóm của Lâm bị Công an huyện Kỳ Anh phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ nhóm đối tượng trên.
Vụ án còn bỏ lọt tội phạm?
Hành vi giết người của tất cả các bị cáo thể hiện tính chất côn đồ, man rợ. Nạn nhân tử vong để lại sự xót xa mất mát không của gia đình.
Anh T. và chị Phạm Thị Hà (SN 1995) trú tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh mới kết hôn được chưa tròn 12 ngày thì anh T bị sát hại. Khi đó, đứa con nhỏ của vợ chồng chị Hà còn chưa kịp chào đời. Theo chị Hà, ngoài hành vi thú tính của các đối tượng thì việc còng tay chồng chị của lực lượng Công an huyện Kỳ Anh càng làm gia đình phẫn nộ hơn.
“Tôi không thể nào ngừng suy nghĩ là khi chồng tôi đứng giữa lần ranh sự sống và cái chết thì khi lực lượng Công an huyện Kỳ Anh có mặt đã không đưa chồng tôi đi cấp cứu ngay mà lại còng tay anh ấy lại. Họ thay mặt Nhà nước thực hiện quyền lực của mình, bảo vệ quyền công dân nhưng chồng tôi bị họ còng tay lại trong tuyệt vọng”, chị Hà nói trong nước mắt.
Trong bản án, Hội đồng xét xử nhận định rằng: “Việc cán bộ điều tra công an huyện Kỳ Anh còng tay người bị hại: Khi cơ quan công an nhận được tin báo tội phạm có đối tượng sử dụng súng nên đã đến hiện trường. Khi lực lượng công an đến hiện trường thì thấy bị hại trong tư thế đang ngồi trên đường cạnhh đó có 1 khẩu súng nên đã còng tay bị hại. Ngay sau khi phát hiện bị hại bị thương đã lập tức đưa đi cấp cứu”.
Không đồng ý với quan điểm của Hội đồng xét xử, Luật sư Phạm Quang Vinh – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hành vi còng tay nạn nhân Đ.N.T, khống chế không cho nạn nhân rời khỏi hiện trường, trong khi phía Công an huyện Kỳ Anh không có lệnh bắt người và nạn nhân không hề có hành vi phạm tội quả tang là trái luật. Đặc biệt, trong khi nạn nhân đang trong tình trạng bị thương rất nặng do hành vi côn đồ của nhóm tội phạm giết người gây ra.
“Hành vi và hậu quả từ việc làm của công an huyện Kỳ Anh đối với T. như trên đã có đầy đủ yếu tố, dấu hiệu cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giam, giữ người trái pháp luật theo quy định tại điểm đ Điều 377 BLHS 2015”, Luật sư Vinh nêu quan điểm
Liên quan tới dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, Luật sư Phạm Văn Lượng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Hội đồng xét xử cũng đã bỏ lọt tội phạm trực tiếp tham gia phạm tội trong vụ án đối với về hành vi của Trần Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Toàn (SN 1985), Nguyễn Trường Giang (SN 1974) cùng trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo cáo trạng, Toàn cũng đã ngồi trên xe ô tô do Cảnh đuổi theo anh Thông và nạn nhân. Khi tới hiện trường thấy nạn nhân đang bị đánh, Toàn đã xuống xe đi ra phía sau xe mở cốp lấy một con dao rạ thì Lượng chạy đến lấy dao trên tay Toàn.
Sau đó, Toàn đi bộ, còn Giang điều khiển xe ô tô đến gần vị trí của nạn nhân đang nằm và xuống xe đứng quan sát. Giang cũng chính là người đã lái xe đón Hưng và Lượng đuổi theo, truy sát anh Thông và nạn nhân Đ.N.T.
Theo luật sư Lượng, từ những căn cứ trên có thể khẳng định: Giang và Toàn có vai trò giúp sức lớn trong vụ án này. Toàn đã hỗ trợ phương tiện phạm tội, giúp sức về mặt tinh thần, vật chất cho hành vi phạm tội của các bị cáo.
Phân tích từ hồ sơ vụ án bị cáo Lâm đã nhiều lần khai báo với cơ quan điều tra rằng thấy “Sơn Lĩnh” – chính là Trần Hồng Sơn đã có đấm 2 - 3 phát vào mặt nạn nhân. Luật sư bảo vệ cho bị hại đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét dấu hiệu phạm tội và khởi tố những người liên quan trong vụ án trên này nhưng không được HĐXX sơ thẩm chấp nhận.
“Hành vi của Giang, Toàn, Sơn là đã giúp sức cho nhóm tội phạm, thực hành trực tiếp hành vi giết người trong vụ án. Mà không bị không bị khởi tố về tội giết người”, Luật sư Lượng cho hay.
Bên cạnh đó Luật sư Lượng cung cấp thêm rằng, trong vụ án không chỉ có 8 bị cáo gây ra cái chết cho bị hại mà thời điểm xảy ra sự việc có sự xuất hiện của một nhóm thanh niên khoảng 5,6 người đi xe máy tấn công nạn nhân. Điều này được thể hiện qua chính lời khai của các bị cáo. Cụ thể, bị cáo Tiến khai rõ “Tôi thấy 1 nhóm thanh niên đi xe máy cùng Tuấn, Thảo, Lâm, Giáp đang tập trung đánh nam thanh niên”. Bị cáo Phạm Anh Tuấn cũng khai rằng, có nhóm thanh niên khoảng 5,6 người tiếp tục đấm đá người bị hại tại phiên tòa sơ thẩm.
Đặc biệt, trong phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa, người làm chứng Nguyễn Viết Quý (SN 1996), trú tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, có bốn chiếc xe máy được dừng lại trên đường Quốc lộ 1A tạo thành một hàng ngang nối đuôi nhau chắn ngang đường QL 1A để truy sát bị hại đến cùng.