Hà Tĩnh: Xây dựng phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm tuyến đê 90 năm tuổi

Ngày 6/5, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, các phương án bảo vệ những tuyến đê xung yếu ở Hà Tĩnh trước mùa mưa bão đã được chuẩn bị, trong đó có tuyến đê La Giang.

Theo ông Trần Đức Thịnh, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trên cơ sở thực trạng tuyến đê và thực tế trong công tác phòng chống lụt bão nhiều năm qua, các đơn vị, địa phương đã xác định một số trọng điểm và vùng trọng điểm nguy hiểm có thể xảy ra sự cố khi có lũ lớn, từ đó xây dựng phương án ứng phó cụ thể.

Đê La Giang là công trình trọng điểm chống lũ của tỉnh Hà Tĩnh.

Quy mô đê đã được đầu tư nâng cấp lớn hơn nhiều so với trước đây nhưng với tình hình thiên tai, lũ lụt ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, công tác hộ đê mùa lũ vẫn luôn là nhiệm vụ cấp bách, được Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu.

Các vùng trọng điểm nguy hiểm trên tuyến đê La Giang sẽ được chú trọng bảo vệ trong mùa lũ năm 2025, gồm:

Hệ kè Tùng Ảnh đoạn K0+600 - K2+100: Đây là đoạn đê chạy ngay sát mép bờ sông La, chiều cao đê lớn, nằm trên vùng cát thô có chiều dày từ 5 - 13m; mùa khô xuất hiện dòng thấm ngược từ phía đồng ra phía sông gây sập mái đê, cơ đê phía sông và kè bảo vệ chân đê phía sông.

Mặc dù nhiều năm qua, được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên đầu tư, tu bổ, nâng cấp tuyến kè bảo vệ mái đê phía sông, tuy nhiên đây vẫn là một trong những vị trí xung yếu nhất của tuyến đê La Giang cần được bảo vệ.

Cụm cống Đức Xá tại K8+00 - K8+165 (bao gồm cống Đức Xá mới tại K8+00 và cống Đức Xá cũ đã chặn ngang): Cụm cống này hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2017 và chưa qua thử thách, lại được xây dựng qua đoạn đê có nền địa chất mềm yếu.

Vùng sủi Đức Diên từ K12+200 - K14+00 thường xuyên xuất hiện sủi khi mực nước trên báo động 3. Đoạn ngã sóng từ K16+213 - K19+080 đà sóng lớn uy hiếp đến thân đê.

Cống Trung Lương được xây dựng mới năm 2000.

Ngày 17/4, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 812/QĐ- UBND thành lập Ban chỉ huy PCTT và TKCN công trình đê La Giang do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng làm trưởng ban. Những thành viên còn lại theo phân cấp thực hiện chỉ đạo, chỉ huy xử lý tình huống theo quy định nhằm bảo vệ an toàn cho công trình, người và tài sản suốt mùa mưa lũ.

"Thời gian này đang tổ chức thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện, sau khi có kết quả sắp xếp, phương án tổ chức chỉ huy sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế", ông Thịnh chia sẻ thêm.

Tuyến đê La Giang hình thành từ những năm 1934, dài 19,2km, được thi công qua nhiều giai đoạn với những hình thức đắp tôn cao, áp trúc, mở rộng bằng thủ công và cơ giới.

Tuyến đê thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho gần 302.000 nhân khẩu, hơn 48.000ha đất canh tác và cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng thuộc địa bàn các huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Lộc Hà và Bắc Thạch Hà.

Phương Dung

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-tinh-xay-dung-phuong-an-bao-ve-cac-vi-tri-trong-diem-tuyen-de-90-nam-tuoi-192250506181355013.htm