Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật cho phép hôn nhân đồng giới

Ngày 26/3, Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân trong phiên họp cuối cùng, động thái mang tính bước ngoặt đưa nước này tiến gần hơn đến việc trở thành quốc gia và vùng lãnh thổ thứ 3 tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Nhiều người tham gia cuộc diễu hành LGBTQ Pride thường niên ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/6/2023. Ảnh: Reuters

Nhiều người tham gia cuộc diễu hành LGBTQ Pride thường niên ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/6/2023. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, dự luật này nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng lớn tại Thái Lan và được 400 trong số 415 nhà lập pháp có mặt tại Hạ viện thông qua, với 10 phiếu chống. Sau khi được Hạ viện chấp thuận, dự luật vẫn cần nhận được cái gật đầu từ Thượng viện và sau đó là sự chứng thực của Nhà Vua trước khi chính thức trở thành luật.

Nếu thành công, luật có thể có hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày được hoàng gia phê duyệt. Thái Lan do đó sẽ nối tiếp đảo Đài Loan và Nepal trở thành những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Phát biểu trước các nhà lập pháp Hạ viện trước buổi họp cuối cùng, ông Danuphorn Punnakanta, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về dự thảo luật, cho biết: “Chúng tôi làm điều này vì tất cả người dân Thái Lan nhằm giảm bớt khoảng cách trong xã hội và bắt đầu tạo ra sự bình đẳng”. Ông khẳng định: "Tôi muốn mời tất cả các bạn viết lên lịch sử”.

Việc xây dựng dự luật này đã tốn tới hơn một thập kỷ do những chậm trễ tới từ biến động chính trị và sự bất đồng về cách tiếp cận và những gì nên đưa vào dự luật. Hồi năm 2020, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết rằng luật hôn nhân hiện hành của Thái Lan, vốn chỉ công nhận các cặp đôi dị tính, là hợp hiến, đồng thời khuyến nghị mở rộng luật để đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng khác.

Tới 21/12/2023, dự luật được đệ trình lên Quốc hội Thái Lan sau khi được Nội các thông qua ngày 19/12 trước đó. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp Nội các, Thủ tướng Srettha Thavisin khẳng định dự luật này sẽ cho phép các cặp đồng tính có quyền kết hôn như các cặp đôi dị tính.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Somsak Thepsuthin cho biết: “Dự luật về nguyên tắc sửa đổi một số điều trong bộ luật dân sự để mở đường cho những người yêu nhau, không phân biệt giới tính, được đính hôn và kết hôn. Điều này sẽ mang lại các quyền, trách nhiệm và địa vị gia đình ngang bằng với hôn nhân giữa một người nam và một người nữ hiện nay về mọi mặt”.

Có tổng cộng 4 dự luật đã được đệ trình để tranh luận, trong đó một dự luật do Nội các của Thủ tướng Srettha soạn thảo, một dự luật từ các nhóm dân sự đã thu thập được hơn 10.000 chữ ký và hai dự luật do đảng đối lập lớn nhất Move Forward cùng Democrats soạn thảo. Đây là những đảng đã đi đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng hôn nhân trong vài năm qua tại Thái Lan.

Cả 4 dự luật này khác nhau về chi tiết nhưng đều nhằm một mục đích chung là sửa đổi bộ luật dân sự và thương mại bằng cách thay đổi cách diễn đạt từ “chồng” và “vợ” thành “cá nhân”. Hạ viện sẽ thảo luận về các dự luật và sau đó sẽ tổng hợp chúng thành một dự luật chung để có thể tiến hành bỏ phiếu.

Việc thông qua dự luật đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc củng cố vị thế của Thái Lan như một trong những xã hội tự do nhất châu Á về các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, với thái độ cởi mở và tự do cùng tồn tại với các giá trị truyền thống, bảo thủ.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ha-vien-thai-lan-thong-qua-du-luat-cho-phep-hon-nhan-dong-gioi-post33079.html