'Hắc điểu' SR-71: Những điều làm nên huyền thoại của máy bay nhanh nhất thế giới

'Hắc điểu' SR-71 vẫn giữ kỷ lục thế giới về tốc độ, máy bay phản lực nhanh nhất từng được chế tạo. Không chỉ có tốc độ gấp 3,3 lần tốc độ âm thanh, 'Hắc điểu' còn có rất nhiều điều đáng kinh ngạc khác.

Chiếc "Hắc điểu" SR-71, được bí mật thiết kế vào cuối những năm 1950, có thể bay tới gần rìa vũ trụ và nhanh hơn một quả tên lửa. Khi nói đến những chiếc máy bay nhanh nhất F-22 Raptor hoặc F-35 Lightning II của Mỹ có thể xuất hiện trong đầu bạn, nhưng kỷ lục về tốc độ thực sự thuộc về một chiếc máy bay do thám thời Chiến tranh Lạnh. Đến hiện tại "Hắc điểu" SR-71 của Lockheed Martin vẫn giữ kỷ lục thế giới về tốc độ, máy bay phản lực có người lái nhanh nhất từng được chế tạo, với tốc độ tối đa chính thức đạt Mach 3.3 (gấp 3,3 lần tốc độ âm thanh).

Năm 1990, "Hắc điểu" SR-71 bay một chuyến tờ Bờ Tây sang Bờ Đông Mỹ, với chặng Los Angeles – Washington D.C trong vòng 67 phút.

Ngày này, "Hắc điểu" SR-71 vẫn là chiếc máy bay được yêu thích trong giới đam mê hàng không và các chuyên gia quân sự.

Sự ra đời của "Hắc điểu" SR-71

Khi Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô leo thang, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần những nền tảng hàng không mới, có thể vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến của Liên Xô. Máy bay do thám U-2 đã ra đời.

Được đặt biệt danh là Quý bà rồng, máy bay này đã thành công trong việc thực hiện một số nhiệm vụ bay qua không phận Liên Xô khi mới được giới thiệu. Tuy nhiên, vào năm 1960, một chiếc U-2 do phi công CIA Francis Powers điều khiển đã bị Liên Xô bắn hạ bằng tên lửa SA-2 (SAM). Mặc dù nhiệm vụ phát triển một máy bay nhanh hơn U-2 đã được triển khai từ trước khi xảy ra sự cố, nhưng việc mất chiếc máy bay của Powers đã khiến yêu cầu này trở nên cấp bách hơn.

Nhiệm vụ thiết kế một cỗ máy đầy tham vọng được giao cho Clarence "Kelly" Johnson, một trong những nhà thiết kế máy bay vĩ đại nhất thế giới, cùng bộ phận kỹ sư bí mật của ông tại Lockheed, được gọi là Skunk Works.

Điều gì làm "Hắc điểu" SR-71 trở thành huyền thoại?

Vì "Hắc điểu" SR-71 được thiết kế để bay với tốc độ vượt quá Mach 3.0 nhằm tránh bị tấn công từ hỏa lực phòng không nên ma sát trở thành một mối quan tâm lớn đối với các kỹ sư của Skunk Works.

Máy bay được thiết kế để bay trên 2.000 dặm/giờ (tương đương 3.218,68 km/giờ) và ở tốc độ này ma sát với không khí xung quanh sẽ làm nóng thân "Hắc điểu" đến mức làm tan chảy nếu sử dụng vật liệu thông thường. Để đối phó với ma sát sẽ phát sinh khi bay ở tốc độ cao như vậy, titan đã được chọn làm vật liệu vì kim loại này có thể chịu được nhiệt độ cao và nhẹ hơn thép.

Ban đầu, chiếc máy bay hoàn toàn không sơn, khoe lớp vỏ titan màu bạc. Đến năm 1964, chúng mới lần đầu tiên được sơn đen sau khi các nhà phát triển nhận ra rằng sơn đen giúp hấp thụ và tỏa nhiệt hiệu quả giúp hạ nhiệt độ của toàn bộ khung máy bay.

Lớp vỏ màu đen tuyền này cũng đã mang lại biệt danh "Hắc điểu" cho chiếc SR-71. Màu đen huyền bí kết hợp với những đường nét mượt mà của thân máy bay dài, khiến chiếc SR-71 trông không giống bất cứ thứ gì từng xuất hiện trước đó – một thiết kế không mất đi vẻ đẹp ấn tượng theo thời gian.

Vào đầu những năm 1970, chiếc "Hắc điểu" SR-71 đầu tiên đã thực hiện một nhiệm vụ đi và về qua Israel để xác minh khả năng hàng không hạt nhân của Quân đội Israel. Những chiếc máy bay "Hắc điểu" SR-71 khác đã bay qua Ai Cập, Syria và Liban để thu thập thông tin tình báo về vị trí của Israel và các nước láng giềng Ả Rập trong thời gian này. Thực tế, Mỹ đã sử dụng những hình ảnh được ghi lại bởi những chiếc máy bay "Hắc điểu" SR-71 để giúp kết thúc chiến tranh Yom Kippur.

Mặc dù nền tảng "Hắc điểu" SR-71 đã bị loại bỏ nhưng chiếc máy bay huyền thoại vẫn giữ vững vị trí là chiếc phản lực nhanh nhất từng bay trên bầu trời.

Thế Hải (Theo National Interest)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hac-dieu-sr-71-nhung-dieu-lam-nen-huyen-thoai-cua-may-bay-nhanh-nhat-the-gioi-204250111164640932.htm