HAGL: Loạt lãnh đạo chủ chốt ra đi, 'núi nợ' và viễn cảnh mới
Nhiều lãnh đạo cấp cao dưới thời ông Đoàn Nguyên Đức tại HAGL đã chọn nộp đơn từ nhiệm vị trí của họ bằng những hình thức khác nhau.
Cách đây vài ngày, CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (Mã HAG - HoSE) thông tin ông Nguyễn Chí Thắng, đã quyết định rời bỏ vị trí thành viên HĐQT vì lý do cá nhân từ ngày 7/5 vì lý do cá nhân.
Ông Nguyễn Chí Thắng (SN 1975) bắt đầu sự nghiệp tại Xí nghiệp tư doanh HAGL từ tháng 3 năm 1994 với vị trí nhân viên KCS. Sau đó, ông chuyển sang làm Phó Giám đốc tại xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Nông nghiệp - Công nghiệp Cao su Hoàng Anh Quang Minh từ năm 2008 đến 2012.
Trong 7 năm tiếp theo, ông thay đổi vai trò và tiếp tục đảm nhận các vị trí quan trọng, bao gồm Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc tại Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu. Từ năm 2021 đến nay, ông Thắng là Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Khăn Xay.
Trước ông Thắng, vào ngày 6/5, ông Lê Hồng Phong (SN 1980) cũng đã gửi đơn xin từ chức là thành viên của Ban Kiểm soát HAGL, với lý do cá nhân.
Ông Phong có lịch sử công tác đa dạng, bao gồm các vị trí như Phó Phòng Kiểm toán nội bộ tại HAGL từ năm 2011 đến 2016, sau đó làm Trưởng Ban Kiểm soát tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (Mã HNG - HoSE) trong giai đoạn 2015-2017. Ông cũng đã từng giữ vị trí Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương từ năm 2016 đến 2019.
Động thái từ phía ông Thắng và ông Phong xuất hiện sau khi HAGL tiếp nhận một nhóm cổ đông lớn có liên quan đến CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS). Cụ thể, LPBS đã mua 50 triệu cổ phiếu HAG trong đợt phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu của HAGL, từ đó nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp lên 4,73% vốn. Thậm chí, ông Lê Minh Tâm - Chủ tịch HĐQT của LPBS, cũng đã mua 28 triệu cổ phiếu HAG trong đợt phát hành trên, nâng tỷ lệ sở hữu lên 2,65%.
Sau giao dịch, toàn bộ nhóm cổ đông liên quan đến LPBS nắm giữ 89,6 triệu cổ phiếu HAG - tương đương 8,47% vốn, chính thức trở thành cổ đông lớn thứ hai tại HAGL (sau Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức).
Ở chiều ngược lại, hai ứng viên mới là ông Bùi Lê Quang và ông Nguyễn Tiến Hưng đã được thông qua để thay thế vị trí trống trong HĐQT và Ban Kiểm soát của HAGL.
Ông Quang đang là Trưởng phòng Đầu tư tài chính của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF). Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát tại CTCP Du lịch Kim Liên và CTCP Chứng khoán LPBank (LBPS).
Còn ứng viên vào Ban Kiểm soát - ông Nguyễn Tiến Hưng hiện là Trưởng bộ phận Kế hoạch ngân sách tại CTCP Thaiholdings (Mã THD). Theo thông tin, cả hai cá nhân này đều được đề cử bởi ông Đoàn Nguyên Đức và không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của HAGL.
Trước thềm Đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra, HAGL cũng đã nhận được đơn từ nhiệm của bà Võ Thị Huyền Lan, người đã phục vụ trong vị trí thành viên Hội đồng quản trị trong suốt 17 năm.
Điều này cho thấy, chỉ trong vòng một năm, nhiều lãnh đạo cấp cao - những người từng được coi là các "chiến tướng" dưới thời ông Bầu Đức đã quyết định từ chức. Đáng chú ý, điều này xảy ra trong bối cảnh HAGL bắt đầu đạt được lợi nhuận kinh doanh trở lại sau gần nửa thập kỷ chịu đựng thua lỗ.
Những người đồng hành cùng ông Đoàn Nguyên Đức trong vị trí lãnh đạo cấp cao hiện tại chỉ còn ông Võ Trường Sơn (sinh năm 1973) - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc (gia nhập HAGL từ tháng 10/2008) và bà Võ Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1977) - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc (tham gia HAGL từ năm 2006).
Sự hiện diện của LPBank và các nhà đầu tư tiềm năng vào quý IV/2023 đã thắp lên hy vọng mới cho HAGL, ban lãnh đạo và hàng vạn cổ đông. Nổi bật là quyết tâm xóa lỗ lũy kế trong năm 2024 và giải quyết dứt điểm nợ vay tài chính vào năm 2026.
Tại ĐHCĐ thường niên ngày 10/05/2024, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức ví lỗ lũy kế được ví như "tảng đá cản đường" khiến HAGL lỡ hẹn với các nhà đầu tư. Ông Đức cho biết quyết tâm xóa sổ lỗ lũy kế trong năm nay, mở ra cánh cửa thu hút nguồn vốn dồi dào cho HAGL phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhờ áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả, HAGL đã giảm thiểu nợ vay tài chính một cách ấn tượng, từ mức kỷ lục 28.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2017 xuống còn hơn 7.800 tỷ đồng vào cuối quý I/2024, qua đó xử lý thành công hơn 21.000 tỷ đồng nợ vay.
HAGL hiện còn khoản nợ đến hạn tại BIDV liên quan đến lô trái phiếu với dư nợ gốc 4.250 tỷ đồng. Số còn lại khoảng 3.000 tỷ đồng dự kiến sẽ được xử lý hoàn tất vào năm 2026.
Có thể thấy rằng, các giải pháp cơ cấu nợ, đặc biệt là thoái vốn cổ phần tại công ty con và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến hàng loạt đơn từ nhiệm của lãnh đạo cấp cao tại HAGL trong vài năm qua.
Nhìn lại giai đoạn 2009 - 2015 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của HAGL với quy mô nhân sự khổng lồ. Thời điểm đó, bầu Đức cũng khẳng định vị thế là một trong những tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Từ năm 2015, tình hình kinh doanh gặp khó khăn, HAGL liên tiếp ghi nhận những khoản lỗ lớn và gánh nặng nợ nần lên đến 36.100 tỷ đồng vào năm 2016. Hệ quả là đội quân nhân viên của HAGL bắt đầu thưa thớt dần, đặc biệt sau khi bán HAGL Agrico cho Tập đoàn Thaco. Đến cuối năm 2023, số lượng nhân viên HAGL đã giảm tới 94,2%, chỉ còn dưới 1.800 người.
Dẫu vấp phải những sai lầm trong chiến lược kinh doanh, HAGL vẫn ghi nhận sự cống hiến to lớn của người lao động trong suốt 15 năm thăng trầm. Đặc biệt, với quân số chỉ 2.448 người, tập đoàn đã gặt hái thành công đầu tiên khi báo lãi 128 tỷ đồng vào năm 2021, minh chứng cho sức mạnh và tinh thần đồng lòng của tập thể HAGL.
Bước sang năm 2022, HAGL ghi nhận bước ngoặt ấn tượng với mức lợi nhuận ròng tăng gấp gần 10 lần, đạt 1.125 tỷ đồng, dù đội ngũ nhân sự chỉ còn 2.333 người.
Tiếp nối thành công, năm 2023 chứng kiến HAGL đạt doanh thu kỷ lục hơn 6.440 tỷ đồng và gần 1.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, xếp thứ 2 trong lịch sử hoạt động. Đáng chú ý, trong năm này, HAGL tiếp tục tinh gọn nhân sự thêm 25%, chỉ còn 1.748 người.