Hai anh em ruột cùng làm vua một nước
Loạn 12 sứ quân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là bộ tiểu thuyết dã sử dựa trên một số sự kiện lịch sử đầu thế kỷ 10. Điều đó xưa nay chưa hề có. Một nước không khi nào lại có hai vua, xưa nay người ta vẫn nói thế.
Tại cung Dương Thịnh, cuộc họp mặt giữa thái hậu Dương Ngọc, Nam Tấn Vương và thái tử Xương Ngập diễn ra trong vòng hoàn toàn bí mật. Mở đầu cuộc họp, thái hậu nói:
- Nhờ hồng phúc của dòng họ Ngô và nhờ sự phù hộ của tiên vương ngôi báu đã trở về với nhà Ngô. Tuy nhiên, bên cạnh cái mừng lại nảy sinh một nỗi lo lắng riêng...
Tình thế nan giải của 3 mẹ con Dương Thái hậu
Nam Tấn Vương liền thưa:
- Tâu mẫu hậu, xin mẫu hậu ban dạy, chúng con xin tuân nghe.
Xương Ngập cũng nói:
- Đây chỉ có mẹ con trong gia đình, anh em chúng con sẽ nhường nhịn nhau để làm đẹp lòng mẫu hậu.
Nghe hai con nói thế, thái hậu mới yên tâm nói:
- Từ ngày quốc cựu làm việc bất chính, mẹ tưởng chừng cơ nghiệp nhà Ngô đã sụp hẳn. Không ngờ hoàng thiên chưa phụ, tướng sĩ còn chút cảm tình với tiên vương, nên mới có ngày hôm nay.
Công lao ấy phải nói là do vương thượng đầy mưu trí mới đạt, chứ không dễ gì truất phế được Bình Vương. Có công lao ấy tất phải có ngôi vị này là điều hợp tình hợp lý.
Vả lại lúc bấy giờ không có tin tức gì về thái tử, không biết sống chết ra sao, trong nước không thể một ngày không có vua, giềng mối quốc gia biết lấy ai cầm cân nảy mực. Hơn nữa, giữa lúc hỗn quân hỗn quan ấy, nếu không sớm chính vị, có kẻ nảy sinh tà tâm làm quấy thì tai hại cho đại cuộc biết dường nào.
Do đó, mẹ đã thể theo lời thỉnh cầu của triều thần chấp thuận ngay từ giờ phút đầu cho vương thượng lên ngôi để yên lòng quân và thỏa mãn lòng dân.
Nghỉ một lát, thái hậu nói tiếp:
- Nay thái tử còn sống và đã về đây, đặt mẹ con trước một tình thế nan giải.
Nam Tấn Vương hiểu ý mẹ, liền nói:
- Lúc con lên ngôi vua tình thế quả đòi hỏi như mẹ vừa dạy chẳng qua là để đáp ứng nhu cầu quốc sự trước mắt. Nay tình hình đã ổn định, anh con đã trở về, xin phép cho con thoái vị để nhường ngôi lại cho anh con.
Nghe em nói thế, Xương Ngập sợ tái mặt, lạnh xương sống, vội đứng dậy chắp tay thưa:
- Tâu mẫu hậu, tâu vương thượng, Xương Ngập này có được ngày hôm nay đã là diễm phúc rồi, đâu dám có tham vọng gì. Nay vương thượng có ý định như thế, chẳng hóa ra anh về đây để giành ngôi của em, để tiếng xấu cho muôn đời về sau sao?
Nam Tấn Vương thấy anh tỏ vẻ sợ sệt trước thiện chí của mình, liền nói:
- Xin anh đừng có ý nghĩ gì khác. Lời em vừa nói hoàn toàn xuất tự đáy lòng chân thật, muốn cho việc triều đình được yên ổn mà tình riêng trong gia đình cũng được toàn vẹn.
Thái hậu xua tay nói:
- Mẹ rất hiểu lòng dạ của vương thượng. Nhưng cách đó mẹ thấy không được ổn lắm. Nếu vương thượng tự ý thoái vị, trước hết gieo vào lòng các tướng sĩ và triều thần một sự bất mãn, về phần thái tử không khỏi mang tiếng với trăm họ là đã tranh quyền của em.
Giải pháp một nước hai vua
Suy nghĩ hồi lâu, Nam Tấn Vương nói:
- Tâu mẫu hậu, nếu việc thoái vị của con sẽ gây nên nhiều hậu quả không hay, con xin đề nghị giải pháp thứ hai.
Nam Tấn Vương nhìn mẹ, nhìn anh một cách cung kính rồi đáp:
- Hay là anh con cũng lên ngôi cùng với con trị vì đất nước.
Xương Ngập nói:
- Điều đó xưa nay chưa hề có. Một nước không khi nào lại có hai vua, xưa nay người ta vẫn nói thế.
Nam Tấn Vương nói:
- Tâu mẫu hậu, thưa lệnh huynh, một nước có một vua hay nhiều vua không phải là điều quan trọng. Nếu hai vua biết chia sẻ trách nhiệm cùng nhau ngày đêm lo lắng cho trăm họ, gìn giữ giang sơn khỏi rơi vào tay ngoại bang, đừng để cho danh lợi và ngôi báu làm anh em phải giết nhau thì có hề gì.
Thái hậu nói:
- Không biết thần dân có cho đó là điều nghịch chăng?
Nam Tấn Vương đáp:
- Tâu mẫu hậu, con nghĩ rằng việc làm đó của chúng con sẽ nêu gương tốt cho trăm họ. Tại triều đình, vua chúa còn biết dung hòa quyền lợi để giữ tình ruột thịt, huống chi nơi làng xóm lại không có sự đoàn kết để mưu lợi ích chung?
Thái hậu nói:
- Con nói cũng có lý. Thôi mẹ cũng chấp thuận giải pháp đó.
Xương Ngập vốn đã nuôi mộng giành ngôi vua của em trước khi bước chân về tới kinh đô, nên khi nghe Nam Tấn Vương đề cập đến việc thoái vị nhường ngôi cho mình, đã mở cờ trong bụng, nhưng bề ngoài giả bộ từ chối chiếu lệ, không ngờ thái hậu lại không chấp thuận giải pháp thoái vị.
Nay nghe Nam Tấn Vương đề nghị thái tử cùng làm vua thì có phần mừng, nhưng hãy còn hoang mang, chưa biết quyền chính sau này có lọt cả được vào tay mình không, bèn dùng kế hoãn binh để có thời gian cử người về Nam Sách và xuống Bình Kiều hỏi ý kiến cụ viên ngoại và thứ sử Vương Thừa Vũ. Thái tử nói:
- Mẫu hậu đã chấp thuận, chẳng lẽ con không tuân theo, nhưng việc này không những quan trọng đối với riêng con, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi cả quốc gia, xin mẫu hậu và vương thượng cho con một thời gian để suy nghĩ.
Cuộc họp mật tới đó chấm dứt, thái hậu trở về chùa. Xương Ngập về cung riêng, tự tay thảo bức thư cho cụ viên ngoại, một bức thư gửi cho thứ sử Bình Kiều rồi mật sai cung nữ thân cận mang đi.
Hơn nửa tháng sau, Xương Ngập nhận được ý kiến của hai người đều khuyên nên nhận đề nghị của Nam Vương rồi sau sẽ liệu lấn dần quyền chính.
Đúng ngày hẹn, Xương Ngập đến hầu thái hậu, tỏ bày sự ưng thuận làm vua với em. Thái hậu rất đẹp lòng, vì thấy hai con hòa thuận với nhau, Nam Tấn Vương được thông báo và đi kiệu tới gặp mẹ và anh ngay.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Tết Nguyên đán Tân Hợi (951) đã tới, niên hiệu Nam Tấn Vương bước qua năm thứ hai. Tháng Giêng trôi qua tháng hai, ngày đăng quang của Thiên Sách Vương được chuẩn bị rầm rộ.
Sau ngày rằm, các vị trấn thủ các nơi lục tục tới kinh đô, xa như vùng Hoan Châu, Ái Châu, gần như Tam Đái, Bình Kiều, miền biển như Hồng Châu, miền núi như Lạng Châu, Hồi Hồ vị nào cũng nằm trên võng điều, tiền hô hậu ủng, cờ bay trống giục, nghi trượng oai nghiêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loan-12-su-quan-post1119391.html