Hai ba con và ông bác sĩ

PTĐT -Tao bảo mày đi mua rượu sao mày còn đứng đấy? Mày có muốn tao cho mày một trận không? Giọng anh Quỳnh hầm hầm quát nạt khiến thằng cu Đồng, con trai anh, mới lên 9 đứng nem nép ở xó cửa run lên bần bật. Nó ấp úng:

- Ba ơi… hết… hết tiền rồi! - Hả? Mày nói cái gì? Tiền… tiền hết thì đi kiếm. Miễn sao đem rượu về đây cho tao là được. Đi…! Đồng lững thững bước ra khỏi nhà, nước mắt giàn giụa chảy xuống hai má. Dáng nhỏ thó của nó khuất sau ô cửa sổ hoen gỉ. Trong nhà, anh Quỳnh vẫn lè nhè chửi.- Anh Quỳnh! Anh Quỳnh ơi! Nhanh lên, thằng Đồng, thằng Đồng bị xe cán ngoài đầu làng…- Hả? Thằng Đồng… thằng Đồng… Anh Quỳnh như tỉnh cơn rượu, vụt chạy về phía đám đông đang xì xào, kêu réo. Xe cứu thương đã nhanh chóng được người dân gọi tới để chở thằng bé lên viện: - Phải chở ngay lên bệnh viện tỉnh, nếu không thì…- Đồng ơi, tỉnh lại đi con! Con mà có mệnh hệ nào thì ba… ba làm sao sống nổi. Đôi dòng nước mắt ứa ra, anh Quỳnh cứ thế nắm lấy tay con trai đang lạnh dần trong tay mình, cầu mong thần linh phù hộ.- Bác sĩ… xin hãy cứu lấy con trai tôi. Hãy cứu lấy nó! Anh Quỳnh chạy theo chiếc xe đẩy chở Đồng chạy trên dãy hành lang bệnh viện vào phòng cấp cứu. Cánh cửa phòng cấp cứu đóng chặt lại, anh ngồi sụp xuống dãy ghế ngoài hành lang, vò đầu bứt tóc tự trách móc bản thân mình.Anh Quỳnh nên chồng vợ với chị Nhung. Cả hai làm nghề chăn vịt thuê cho nhà ông Hộ trong làng từ nhỏ, lớn lên đồng cảm, yêu thương và đến với nhau. Một ngày, giữa đồng không mông quạnh chỉ có tiếng vịt kêu quàng quạc inh tai, chị Nhung bỗng trở dạ đột ngột. Trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, một tay anh Quỳnh đã đỡ đẻ cho vợ. Dù đẻ thiếu tháng nhưng trộm vía, thằng bé cứ thế lớn lên khỏe mạnh. Để ghi nhớ kỷ niệm đặc biệt khi con chào đời, vợ chồng anh Quỳnh đặt tên con là Đồng.Đồng càng lớn càng giống anh Quỳnh như đúc. Lên 5, lên 6 tuổi, nó đã lẽo đẽo theo ba mẹ ra đồng chăn vịt. Lớn lên chút nữa, anh Quỳnh dạy nó bắt cá, bắt cua; dạy nó biết cách lùa đàn vịt vào chuồng. Những chiều rảnh rỗi, hai cha con anh thường nằm trên bãi cỏ xanh, ngắm nhìn bầu trời, ngắm những đám mây lững lờ trôi, rồi cứ thế tưởng tượng, mơ ước và hy vọng… Đột nhiên, năm Đồng lên 8 tuổi, chị Nhung bỏ nhà đi vì nghe người ta nói ở trong Nam có việc nhẹ lương cao, không vất vả như nghề chăn vịt. Chị viết mấy dòng vào mảnh giấy con con để lại cho chồng rồi lặng lẽ đi biệt tăm biệt tích. Cũng thời gian đó, ông Hộ bỗng nhiên bị tai biến. Đàn vịt cũng bị gia đình ông bán lại cho người khác để lấy tiền chữa trị bệnh cho ông. Vậy là anh Quỳnh thất nghiệp. Anh đâm ra chán nản, cáu bẳn. Cũng từ đó, anh không còn dành thời gian cho con, không hỏi han, quan tâm, cũng chẳng thường xuyên cười nói hay vuốt tóc, cưng nựng thằng bé như trước nữa. Anh mượn rượu giải tỏa sầu muộn, ức chế trong lòng. Chỉ tội thằng cu Đồng, đã thiếu thốn tình cảm của mẹ, giờ ba lại sinh ra thế… Nhưng thằng bé vẫn thương ba. Dù ba có nói, có chửi thế nào, nó cũng im lặng. Mỗi khi thấy buồn, Đồng thường ra con mương giáp cánh đồng ngồi bần thần một mình. Tay bứt ngọn cỏ non, đôi mắt nó đăm đắm nhìn lên khoảng mây trắng tựa khối bông gòn đang lửng lơ lưng trời rồi lại nhìn xuống cánh đồng trước mặt chỉ còn trơ lại gốc rạ liêu xiêu. Nó ngả mình trên cỏ. Cỏ mềm và êm. Êm như những kỷ niệm ngày xưa của nó. Nó nhớ về khoảng thời gian vui vẻ bên ba. Giá như mẹ đừng bỏ đi… Nó thầm nghĩ rồi thở dài và lại khóc. Những giọt nước mắt trong veo lăn dài xuống hai má nóng hổi. Nó nhắm mắt… thiu thiu ngủ. Trong giấc mơ, nó thấy ba, mẹ và nó ngồi quây quần trong chiếc lều dựng tạm ngoài đồng, cùng ăn bữa cơm đạm bạc, vui vẻ nói cười. Cho đến khi mặt trời ló rạng khỏi tảng mây đùng đục và chiếu thẳng vào mặt nó hừng hực, nó mới giật mình bật dậy. Nó vùng chạy một mạch về nhà vì chắc rằng giờ này ở nhà, ba nó đang gọi tên nó khản giọng.- Ai là người nhà của bệnh nhân Đồng! Anh Quỳnh giật mình, đứng dậy sau câu hỏi của nữ y tá vừa bước ra khỏi phòng cấp cứu:- Tôi, tôi… thưa cô. Tôi là ba của thằng bé.- Con trai anh bị mất máu quá nhiều. Cậu bé cần được phẫu thuật gấp. Nhưng bác sĩ Nhân, người đảm trách khâu phẫu thuật lại đang bận việc nhà. Chúng tôi đã liên hệ. Bác sĩ đang trên đường tới. Trong khi chờ đợi, anh theo tôi đi làm thủ tục nhập viện cho cháu.Một tiếng, hai tiếng rồi ba tiếng đồng hồ trôi qua, anh Quỳnh nhấp nhổm, đứng ngồi không yên vì lo lắng cho con trai. Bỗng cánh cửa phòng cấp cứu mở. Bác sĩ Nhân bước ra, miệng nở nụ cười:- Con trai anh đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên cậu bé vẫn còn rất yếu, cần được chuyển tới phòng hồi sức để chăm sóc. Anh cần gì, cứ hỏi y tá, họ sẽ giải đáp cho anh.- Bác sĩ… bác sĩ… Anh Quỳnh đang định hỏi thêm về tình hình của con trai nhưng bác sĩ Nhân đã vội vàng bước đi. Trong lòng, anh thầm trách ông bác sĩ kiêu ngạo, tự cao. Anh quay sang hỏi nữ y tá:- Cô ơi, cho tôi hỏi… con trai tôi liệu có ổn không?- Con trai anh đã được bác sĩ Nhân mổ kịp thời. Cháu bé hiện đang cần được nghỉ ngơi. Chúng tôi sẽ chăm sóc đặc biệt cho cậu bé. - Cảm ơn cô… Cảm ơn cô nhiều lắm!- Người anh cần cảm ơn nhiều hơn chính là bác sĩ Nhân. Mặc dù ông ấy đang bận lo đám tang của mẹ ông ấy ở nhà nhưng vẫn đến để mổ cho con trai anh đấy.- Cô nói sao cơ? Bác sĩ Nhân… Thế mà tôi...Đồng đã tỉnh lại. Anh Quỳnh ngồi bên nắm lấy tay con trai. Thằng bé hé môi cười khe khẽ. Nó nhấp môi, thì thào:- Ba…! Anh Quỳnh mỉm cười nhìn con, hai mắt ngân ngấn nước.- Cảm ơn con đã tỉnh lại. Ba hứa từ nay sẽ thay đổi, sẽ không khiến con buồn nữa! - Anh Quỳnh, đây là số tiền viện phí của con trai anh. Anh Quỳnh nhận lấy tờ giấy thông báo viện phí cô y tá đưa cho. Đôi mắt anh bỗng tối sầm vì số tiền quá lớn. Tay cầm tờ viện phí run run, anh ngồi sụp xuống hàng ghế ngoài hành lang thẫn thờ…- Cháu thấy trong người thế nào rồi? Nghe giọng của người đàn ông khoác trên mình bộ đồ blouse trắng đang đứng trước mặt, Đồng thấy quen quen. Dáng người ấy, cặp kính ấy, nụ cười ấy, hình như Đồng đã gặp ở đâu rồi. - Ông là…? Đồng ấp úng. Bác sĩ Nhân mỉm cười:- Chúng ta đã gặp nhau. Cháu còn nhớ không? Bác sĩ Nhân gợi lại chuyện cũ. Cách đây một năm, bác sĩ Nhân có chuyến công tác về vùng quê, nơi Đồng ở. Giữa tiết trời mùa hè nắng như đổ lửa, Đồng gặp ông ngồi bên quán nước. Lúc rời đi, chẳng may ông làm rớt chiếc ví, bên trong là toàn bộ giấy tờ quan trọng và một số tiền khá lớn. Mặc dù không có tiền mua rượu cho ba, nhưng khi nhặt được ví tiền, Đồng đã chạy theo để trả cho ông. Để trả ơn, ông đã rút ra tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng đưa cho Đồng nhưng Đồng không lấy. Thằng bé chào ông rồi một mạch chạy đi khi ông chưa kịp cảm ơn.- Thì ra, ông là bác sĩ. Chính ông là người đã cứu cháu ạ?- Đúng vậy cậu bé à. Hai năm trước, bác chưa kịp cảm ơn cháu! Bác sĩ Nhân điềm đạm, nhìn Đồng trìu mến.- Dạ không sao đâu ông ạ. Đó là việc cháu nên làm... Câu chuyện giữa bác sĩ Nhân và con trai khiến anh Quỳnh đang ngồi bên vô cùng ngạc nhiên. Bác sĩ Nhân còn quay sang anh Quỳnh, giọng vui vẻ:- Để trả ơn cậu bé, toàn bộ số tiền viện phí của cậu bé suốt thời gian qua, tôi sẽ tài trợ.- Bác sĩ… Anh Quỳnh vô cùng xúc động trước tấm lòng cao cả của bác sĩ Nhân. Ngắm nhìn nụ cười nhân hậu của bác sĩ rồi nắm lấy đôi bàn tay bé xíu của con trai áp lên trước ngực, một niềm hạnh phúc cứ thế tỏa lan trong trái tim anh.

Truyện ngắn: Lê Thị Xuyên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/202003/hai-ba-con-va-ong-bac-si-169533