Đeo kính râm chống nắng nhưng mắc phải những sai lầm này thì cũng hóa 'công cốc'

Ngoài làn da thì đôi mắt cũng có nguy cơ bị tổn thương bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời. Do vậy việc bảo vệ mắt đúng cách bằng kính râm chống tia UV là điều cực kì quan trọng.

Vào mùa hè, nếu mắt đột ngột bị kích thích bởi ánh nắng cường độ mạnh với tia UV cao sẽ tăng nguy cơ bị tổn thương mắt theo các mức độ khác nhau. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tổn thương mắt do tia cực tím gây ra chủ yếu bao gồm:

- Ung thư da: Cụ thể là ung thư mí mắt bao gồm ung thư biểu mô tế bào đấy, ung thư biểu mô tế bào vảy hay khối u ác tính khác.

- Viêm giác mạc: Giác mạc là lớp mô mỏng trong suốt nằm phía trước nhãn cầu, là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên. Sau khi đi qua hàng rào bảo vệ đầu tiên của mắt, tia cực tím sẽ kích thích giác mạc, gây viêm đau, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng và thậm chí là giảm thị lực.

- Đục thủy tinh thể: Thủy tinh thể là thành phần quan trọng bên trong mắt, đóng vai trò chính giúp mắt nhìn rõ mọi vật. Đục thủy tinh thể do tia UV là một tình trạng mà trong đó thủy tinh thể của mắt trở nên mờ đục, thường xảy ra do sự tích tụ của tác động từ tia cực tím qua nhiều năm. Điều này làm giảm chất lượng thị lực và có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.

- Thoái hóa điểm vàng: Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm là sự thoái hóa các tế bào điểm vàng, làm mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác làm thị giác giảm, hình ảnh được nhìn thấy mờ, méo mó, biến dạng. Tia UV có thể gây tổn thương các tế bào cản quang, dẫn đến suy giảm thị lực và trong một số trường hợp, có thể dẫn đến mất thị lực trung tâm thị giác.

Mắt đột ngột bị kích thích bởi ánh nắng cường độ mạnh với tia UV cao sẽ tăng nguy cơ bị tổn thương mắt theo các mức độ khác nhau (Ảnh: Internet)

Mắt đột ngột bị kích thích bởi ánh nắng cường độ mạnh với tia UV cao sẽ tăng nguy cơ bị tổn thương mắt theo các mức độ khác nhau (Ảnh: Internet)

Để giảm các nguy cơ tổn thương mắt do tia UV kể trên, ngoài việc chăm sóc sức khỏe của mắt tốt thì đeo kính râm chống nắng có tác dụng chống tia UV, đặc biệt trong các thời điểm nắng nóng cực độ là điều vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, khi dùng kính râm chống nắng có một số hiểu lầm và sai lầm thường gặp có thể khiến việc đeo kính chống tia UV kém tác dụng hơn. Cụ thể:

1. Bỏ qua yếu tố phân cực của kính

Không phải tất cả các loại kính râm đều có chức năng phân cực giúp giảm chói và tăng khả năng nhìn rõ. Nói cách khác, thấu kính phân cực được lắp đặt có khả năng ngăn chặn ánh sáng mặt trời phản xạ từ các bề mặt nằm ngang, từ đó làm suy yếu đáng kể luồng ánh sáng đi vào mắt. Việc bỏ yếu tố này có thể gây khó chịu cho mắt, dẫn tới mỏi mắt, đặc biệt là khi di chuyển dưới trời nắng gắt.

Hiểu lầm này cũng tương tự như quan niệm chỉ cần đeo kính râm tối màu (chẳng hạn như màu đen) là đủ. Điều quan trọng khi lựa chọn kính râm chính là chỉ số chống tia UVA/UVB của kính. Các thông số này thường được ghi rõ ràng trên kính.

Chẳng hạn với chỉ số UV400 ghi trên mắt kính có nghĩa là đeo kính có khả năng khả năng chống các tia có bước sóng lên tới 400 nm, tức là chống tất cả các tia UV bước sóng từ 10 - 380 nm và ngăn đến 99% tia UV tới mắt.

2. Chỉ cần đeo kính râm chống nắng khi ngoài trời nắng gắt

Tia UV có thể gây hại cho mắt ngay cả khi trời râm mát, có mây hay nắng nhẹ. Vì thế mà khi di chuyển hay thực hiện các hoạt động ngoài trời, đeo kính râm có tác dụng chống tia UV là vô cùng cần thiết để bảo vệ mắt.

Tia UV có thể gây hại cho mắt ngay cả khi trời râm mát (Ảnh: Internet)

Tia UV có thể gây hại cho mắt ngay cả khi trời râm mát (Ảnh: Internet)

Tùy vào từng hình thức hoạt động mà lựa chọn các loại kính chống tia UV cũng sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, điều này không có nghĩa là bạn cần đeo kính râm khi ở trong nhà hay khi lái xe ban đêm.

Đeo kính râm trong nhà chỉ khiến mắt bị cản trở tầm nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu dẫn tới mỏi mắt. Đeo kính râm khi lái xe cũng gây giảm tầm nhìn và tăng nguy cơ tai nạn, thay vào đó nên chọn loại mắt kính có lớp phủ chống chói khi lái xe ban đêm nếu cần thiết.

3. Trẻ em không đeo được kính râm chống nắng

Thực tế thì đôi mắt của trẻ còn nhạy cảm với tia UV hơn cả người trưởng thành do nhiều bộ phận của mắt chưa phát triển hoàn thiện, chính vì thế mà mắt của trẻ cũng có nguy cơ bị tổn thương bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời cao hơn. Trẻ càng nhỏ thì khả năng và mức độ rủi ro với tia UV càng cao.

Việc bảo vệ mắt từ sớm giúp ngăn chặn tổn thương mắt về lâu dài cho trẻ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo trẻ trên 6 tháng tuổi nên đeo kính râm với hệ số chống tia UV 99% đến 100% nếu ra ngoài vào ngày nắng.

Tuy nhiên cần kiểm soát thời gian đeo kính râm chống nắng ở trẻ, không nên đeo quá 2 giờ mỗi lần, theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh Mắt Thượng Hải (Trung Quốc).

4. Kính râm chống tia UV không có hạn sử dụng

Kính râm cũng có thời hạn sử dụng. Tia cực tím sẽ khiến chất liệu chống nắng của kính râm bị hao mòn và giảm chức năng sau một thời gian dài sử dụng, từ đó tác dụng chống lại tia UV cũng sẽ giảm xuống.

Theo Sohu, nhiều nhà sản xuất kính chống tia UV khuyên rằng bạn nên thay kính từ 2 - 3 năm một lần, nếu tần suất sử dụng kính chống nắng thấp thì thời gian này có thể kéo dài hơn một chút.

Kính râm cũng có thời hạn sử dụng (Ảnh: Internet)

Kính râm cũng có thời hạn sử dụng (Ảnh: Internet)

5. Đeo kính chống nắng sẽ bảo vệ mắt hoàn toàn khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Thực tế thì kính râm không thể bám sát vào đôi mắt của người đeo và do đó không thể ngăn chặn hoàn toàn tia UV nếu có khoảng trống khi di chuyển ngoài trời nắng. Hơn nữa thời điểm từ 10 giờ sáng tới 14 giờ chiều là thời điểm mà tia cực tím mạnh nhất hàng ngày, bạn không nên hoàn toàn "dựa vào" việc đeo kính chống tia UV mà di chuyển thường xuyên trong thời điểm này, trừ khi có việc cần thiết.

Nếu không, tốt nhất hãy cố gắng ở trong nhà ở thời điểm nắng gay gắt để tránh tiếp xúc với tia cực tím và giảm nguy cơ gặp phải các tổn thương do tia UV gây ra cho mắt và cơ thể cũng như giảm nguy cơ bị say nắng, sốc nhiệt.

6. Kính râm chống nắng phù hợp với tất cả mọi người

Mặc dù kính râm chống nắng là "vật dụng thần kì" để bảo vệ đôi mắt nhưng không phải ai cũng nên đeo kính râm do một số tình trạng mắt hiện tại như bệnh nhân bị glocom góc đóng, bệnh nhân bị quáng gà, người bị viêm võng mạc thần kinh thị giác, một số tình trạng mù màu.

Không phải ai cũng nên đeo kính râm (Ảnh: Internet)

Không phải ai cũng nên đeo kính râm (Ảnh: Internet)

Việc đeo kính râm có thể khiến tình trạng mắt trở nên nghiêm trọng hơn như cảm giác mỏi mắt, đau nhức mắt, thị lực kém hơn, tăng nguy cơ tai nạn hơn.

Tốt hơn hết, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nhãn khoa về loại kính phù hợp để chống tia UV khi di chuyển ngoài trời nắng.

Nhìn chung, khi chọn kính râm chống nắng, bạn cần lưu ý các điểm sau:

- Kiểm tra nhãn mác: Đảm bảo rằng kính có nhãn hiển thị "100% bảo vệ UV" hoặc "UV400", có nghĩa là kính có thể chặn tia UVA và UVB.

- Độ phù hợp của kính: Kính râm không chỉ cần chắn tia UV mà còn cần vừa vặn với khuôn mặt để cung cấp bảo vệ toàn diện từ các góc độ, không nên chọn tròng kính hay gọng kính quá to hoặc quá bé.

- Màu sắc và độ tối của tròng kính: Màu sắc không ảnh hưởng đến khả năng chống tia UV nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng thị giác trong các hoàn cảnh khác nhau. Một số màu sắc có thể tăng cường độ tương phản, trong khi độ tối của kính giúp giảm lượng ánh sáng chung mà mắt phải chịu.

- Trải nghiệm thử kính: Thử đeo kính râm trước khi mua để kiểm tra độ thoải mái và tầm nhìn xung quanh.

Lựa chọn kính râm chống nắng chất lượng là điều quan trọng để bảo vệ mắt bạn khỏi tác động của tia UV, đặc biệt trong mùa hè khi ánh nắng mặt trời có cường độ mạnh mẽ.

Nguồn: Tổng hợp

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/deo-kinh-ram-chong-nang-nhung-mac-phai-nhung-sai-lam-nay-thi-cung-hoa-cong-coc-20240702120509119.htm