Hai bên Mỹ - Trung ăn miếng trả miếng dọa trừng phạt nhau ngay trước khi ngồi vào đàm phán
Trước thềm vòng đàm phán thương mại Trung - Mỹ lần thứ 13, Washington tuyên bố hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị kế hoạch đối phó của riêng mình. Cuộc đấu giữa hai bên giờ đây đã vượt ra ngoài phạm vi cuộc chiến thương mại.
Reuters ngày 9/10 đưa tin, trước đây, do quan hệ Trung - Mỹ ngày càng xấu đi, các nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc đã có kế hoạch thực hiện hạn chế về visa chặt chẽ hơn đối với các công dân Mỹ liên quan đến các tổ chức chống Trung Quốc.
Tin cho biết, Bộ Công an Trung Quốc trong mấy tháng qua đã đưa ra các quy tắc để hạn chế bất cứ người nào có khả năng được các cơ quan tình báo và tổ chức nhân quyền của Mỹ thuê nhập cảnh Trung Quốc. Vào tháng 5 năm nay, Mỹ đã áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với thị thực nhập cảnh cho các học giả Trung Quốc và phía Trung Quốc cũng đang ấp ủ việc thay đổi các quy tắc. Một nguồn tin cho biết, ngày 8/10 Mỹ đã tuyên bố về việc thực thi hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc, điều này củng cố thêm lý do để Trung Quốc thực hiện các hạn chế mới.
Ngày 8/10, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc mà họ coi là tham gia đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương
Nguồn tin của phía Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi không muốn làm điều đó, nhưng chúng tôi dường như không có sự lựa chọn nào khác”. Nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc yêu cầu soạn thảo một bản danh sách các cơ quan và tổ chức nhân quyền có quan hệ với quân đội Mỹ và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đồng thời đưa họ vào danh sách đen thị thực.
Được biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8/10 đã tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc mà họ coi là đã tham gia đàn áp người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.
Ông Mike Pompeo đã ban hành một tuyên bố bằng văn bản nói các quan chức Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm, hoặc tham gia vào giam giữ hoặc ngược đãi những người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh và dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác ở Tân Cương sẽ phải chịu hạn chế về visa. Gia đình của họ cũng có thể bị hạn chế visa.
Ngày 8/10, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã lên án động thái này của Mỹ là “bịa đặt lấy cớ” để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc đã viết trên Twitter nói, vấn đề Tân Cương hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp; Trung Quốc yêu cầu Mỹ sửa chữa sai lầm ngay lập tức, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ngày 9/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng, bất kể Mỹ lấy cớ gì để áp đặt các hạn chế đối với các thực thể và nhân viên Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương, đều là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, Trung Quốc kiên quyết phản đối. Ông Cảnh Sảng cũng khuyên Mỹ ngay lập tức sửa chữa sai lầm, rút lại quyết định liên quan và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Đồng thời, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 7/10 cũng tuyên bố đưa 28 cơ quan công an và công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, trong đó có công ty giám sát bằng hình ảnh Hikvision.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 7/10 đã tuyên bố đưa 28 cơ quan công an và công ty Trung Quốc vào danh sách đen bị trừng phạt về thương mại.
Các tài liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy các thực thể Trung Quốc bị đưa vào “danh sách đen” bao gồm Sở Công an Khu tự trị Tân Cương và 18 đơn vị trực thuộc của nó, cộng thêm Cục Công an Binh đoàn xây dựng Tân Cương và 8 công ty thương mại, bao gồm Dahua Technology, Hikvision, iFlytek, Megvii Technology, SenseTime Technology, Xiamen Meiya Pico, YITU Technology và Wuhan Yixin Technology.
Trước cách làm của Mỹ, ngày 8/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nói tại cuộc họp báo: “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” đang được Bắc Kinh hoàn thành các thủ tục nội bộ và sẽ sớm công bố.
“Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” của Trung Quốc dự tính sẽ liên quan đến một số công ty và tổ chức của Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc trước đây đã tuyên bố rằng “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” chỉ nhắm vào cá biệt thực thể hoặc cá nhân không tuân thủ các quy tắc thị trường, đi ngược lại tinh thần hợp đồng, áp đặt các lệnh phong tỏa hoặc cắt nguồn cung đối với các doanh nghiệp Trung Quốc cho các mục đích phi thương mại và làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Những căng thẳng và đối lập mới giữa Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra ngay trước thềm vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa hai nước. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington tiến hành đàm phán kinh tế và thương mại cấp cao Trung - Mỹ cùng với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin từ ngày 10 đến 11 tháng 10. Giới quan sát cho rằng, những động thái này báo hiệu trước cuộc đàm phán này có thể sẽ chỉ tốn công vô ích như trước đó mà thôi.
Theo Đa Chiều