Hai bệnh viện lớn khám 6.000- 8.000 người, điều trị hàng nghìn ca nội trú, làm gì để đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư?

Để triển khai các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư với mục tiêu lớn nhất là đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, tại các bệnh viện lớn của phía Nam đã có những cách làm khác nhau, từ vận dụng nhuần nhuyễn chính sách, đến việc thành lập trung tâm đấu thầu riêng.

Thể chế được tháo gỡ và vai trò của đơn vị quản lý đấu thầu

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM mỗi ngày tiếp nhận khoảng 7.000-8.000 người bệnh ngoại trú đến thăm khám và khoảng hơn 1.000 trường hợp điều trị nội trú. Việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác khám, điều trị luôn là công việc rất cấp thiết.

Chia sẻ với các phóng viên tham gia đoàn công tác Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, thời gian qua cơ sở y tế này đã hoàn thành xong 400 gói thầu lớn nhỏ khác nhau với trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng.

Mỗi ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận khoảng 7.000-8.000 người bệnh ngoại trú đến thăm khám và khoảng hơn 1.000 trường hợp điều trị nội trú.

Mỗi ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận khoảng 7.000-8.000 người bệnh ngoại trú đến thăm khám và khoảng hơn 1.000 trường hợp điều trị nội trú.

Để làm việc này được 'suôn sẻ', thuận tiện, Bệnh viện này đã thành lập Đơn vị quản lý đấu thầu với 10 nhân sự, trong đó 5 người có chuyên môn về luật, còn lại là chuyên môn kinh tế, tài chính.

ThS Trần Thị Trà Giang, Trưởng Đơn vị quản lý đấu thầu cho biết: Đơn vị quản lý đấu thầu đã hỗ trợ cho các bộ, phận chuyên môn khác (Phòng Vật tư, Khoa Dược...) để làm sao xây dựng được yêu cầu kỹ thuật đúng luật nhất mà vẫn đảm bảo được hoạt động của bệnh viện, xây dựng giá hợp lý nhất để làm sao đảm bảo được việc mua sắm có hiệu quả, đúng về mặt pháp lý.

Nói thêm về vai trò của đơn vị quản lý đấu thầu, PGS.TS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng: Việc này cũng tạo được hỗ trợ rất tốt cho bộ phận chuyên môn. Tức là bộ phận chuyên môn chỉ cần tìm hiểu về tính năng kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động chuyên môn.

"Về thực hiện mua sắm, họ chỉ biết các đơn vị phân phối, còn để kết nối, rà soát tổng thể về pháp luật và vấn đề liên quan thì đơn vị quản lý đấu thầu sẽ đảm nhiệm trước khi trình Ban Giám đốc. Như thế tạo nên một sự an toàn cho tất cả các bộ, phận"- PGS.TS Minh Anh khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đến nay đạt 80%. Khoảng 10-20% còn lại không phải vướng mắc nội bộ chủ quan mà do khách quan của chuỗi cung ứng do nhà thầu do đứt gẫy nguồn cung; vướng mắc và kéo dài thời gian cung ứng do chờ xin gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc.

"Đây là những vướng mắc ngoài phạm vi của bệnh viện và Bộ Y tế. Tuy nhiên, số đó không ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh viện. Chúng tôi luôn có giải pháp thay thế thuốc tương đương về mặt công dụng điều trị, bệnh nhân được hưởng điều trị tương đối ổn"- PGS.TS Minh Anh cho hay.

Chia sẻ thêm về khó khăn của đơn vị từng gặp phải thời gian qua khi chưa có Luật, Nghị định, Thông tư mới liên quan đến hướng dẫn đấu thầu, mua sắm, PGS.TS Nguyễn Minh Anh cho hay, khó khăn nhất của đấu thầu, mua sắm là lấy giá kế hoạch của các danh mục đấu thầu với quy định yêu cầu tối thiểu phải có 3 báo giá và thầu giá thấp nhất.

Bên cạnh đó, nếu trong danh mục đấu thầu, chỉ cần có một loại không lựa chọn được báo giá hoặc giá thấp làm ảnh hưởng cả gói thì cũng không triển khai được gói thầu.

Đon vị quản lý đấu thầu đã giúp cho hoạt động mua sắm, đầu thấu của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tạo được hỗ trợ rất tốt cho bộ phận chuyên môn như Kho Dược, Phòng vật tư...

Đon vị quản lý đấu thầu đã giúp cho hoạt động mua sắm, đầu thấu của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tạo được hỗ trợ rất tốt cho bộ phận chuyên môn như Kho Dược, Phòng vật tư...

Cùng đó về vật tư, trang thiết bị y tế, nhiều mặt hàng chỉ lấy được một báo giá trên thị trường do liên quan đến nhà cung cấp máy hãng nào đi với hóa chất hãng đó. Sau nhiều trường hợp vướng mắc về pháp lý trong mua sắm, không ít đơn vị có tâm lý e ngại bởi ngay cả việc xin báo giá của nhà thầu cũng không dễ dàng.

"Một cái bóng của máy chụp CT có giá chừng 2-4 tỷ đồng. Trung bình 1-2 năm, máy này phải thay bóng một lần. Yêu cầu phải làm 3 báo giá mới mua được là một thách thức đặt ra với các cơ sở y tế. Không đơn vị nào dám mua sắm vì đặc thù của hệ thống trang thiết bị này là máy hãng nào phải dùng bóng hãng đó, nên chỉ có thể làm được một báo giá", một cán bộ làm công tác tại đơn vị đấu thầu trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM lấy ví dụ.

Tuy nhiên, sau khi các văn bản hướng dẫn lần lượt được ban hành, trong đó vấn đề 1 báo giá (trước đó được đề cập trong Nghị quyết 30/NQ-CP đã được luật hóa tại Luật Đấu thầu) thay vì cứ phải 3 báo giá như trước đây đã tháo được 'điểm nghẽn' trong đấu thầu, mua sắm.

Trường hợp bệnh viện thu thập được nhiều hơn 1 báo giá thì được lấy báo giá cao nhất làm giá kế hoạch trên cơ sở phù hợp với yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của bệnh viện. Theo đó, về cơ bản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã không còn thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị do công tác dự trù được xây dựng cả năm và tiến hành đấu thầu liên tục. Chủ yếu có những điểm nghẽn nhỏ trong công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế do phân nhóm để tiến hành thầu.

Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đến nay đạt 80%. Khoảng 10-20% còn lại không phải vướng mắc nội bộ chủ quan mà do khách quan của chuỗi cung ứng...

Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đến nay đạt 80%. Khoảng 10-20% còn lại không phải vướng mắc nội bộ chủ quan mà do khách quan của chuỗi cung ứng...

Tính chuyên nghiệp của đơn vị đấu thầu: Tránh sai sót về hồ sơ, quy trình đấu thầu được đẩy nhanh hơn

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy - một cơ sở y tế tuyến cuối hạng đặc biệt của các tỉnh phía Nam, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân ngoại trú và gần 2.000 người bệnh nội trú, có giai đoạn dù đã triển khai quyết liệt các biện pháp đấu thầu, mua sắm nhưng vẫn xảy ra thiếu thuốc cục bộ.

BSCK 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thực trạng thiếu thuốc chủ yếu liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới. Các đơn vị sản xuất thuốc dù đã trúng thầu cũng chậm trễ cung ứng do thiếu nguyên liệu nhập khẩu hoặc vận chuyển từ nước ngoài về gián đoạn.

Việc thiếu thuốc cục bộ hay vật tư tiêu hao thực chất từ nguồn gốc khách quan như giá thuốc quá rẻ không đơn vị nào tham dự thầu; hoặc thuốc hiếm chỉ có rất ít nhà cung cấp; hoặc có những đơn vị trúng thầu nhưng đến thời điểm giao thuốc, vật tư lại không thể nhập hàng do đứt gẫy nguồn cung, kéo dài thời gian cung ứng đến 4-5 tháng... chứ không phải từ nguyên nhân thiếu quy định pháp luật hay bệnh viện không có đủ năng lực mua sắm.

BSCK 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

BSCK 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong những trường hợp này, nếu không có thuốc thay thế, bệnh viện rất khó cung ứng được đầy đủ và bệnh viện không thể chấm dứt gói thầu để tiến hành thầu lại.

"Đơn vị răng hàm mặt của bệnh viện chúng tôi hiện chưa thể đấu thầu thuốc gây tê trong nha khoa vì lượng bệnh nhân tới khoa này rất ít. Một số thuốc như giải độc hoặc thuốc BAT không phải lúc nào cũng có sẵn nguồn cung ứng. Bệnh viện phải mất thời gian tìm kiếm nguồn cung"- một cán bộ liên quan đến làm công tác đầu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng.

Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, thời gian qua khi các văn bản hướng dẫn được ban hành cơ bản đầy đủ, tháo gỡ nhiều 'điểm nghẽn' trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư đã khiến cho hoạt động này của các bệnh viện thuận lợi hơn, nhanh hơn.

Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Từ thực tiễn hoạt động của bệnh viện mua sắm khá lớn từ thuốc, vật tư, trang thiết bị, hóa chất..., để tạo sự nhất quán, đồng bộ trong mua sắm, đấu thầu, Bệnh viện đã thành lập Đơn vị đấu thầu với 11 người.

"Điều thuận lợi nhất khi lập đơn vị này là anh em thống nhất cách làm việc, khi hồ sơ liên quan đến đấu thầu cùng mẫu, cùng cách làm nên các bộ phận làm đồng nhất, thống nhất. Việc chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác có ý nghĩa kiểm soát lẫn nhau, làm cho quy trình nhanh hơn. Bệnh viện đã quy định bao nhiêu ngày thực hiện mỗi quy trình. Khi đưa hồ sơ lên Đơn vị đấu thầu sẽ thống nhất thời gian"- BSCK Phạm Thanh Việt cho biết.

Nói thêm về vai trò của đơn vị đấu thầu, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị chủ yếu thực hiện những công việc liên quan đến hồ sơ đấu thầu đồng nhất mẫu, còn các hoạt động liên quan đến chuyên môn xây dựng gói thầu, các đơn vị chuyên môn sẽ làm, ví như khoa dược mua sắm thuốc và đặt ra yêu cầu kỹ thuật...

"Nhiều năm hình thức này được duy trì, những đơn vị thực hiện mua sắm thống nhất. Đồng thời do tính chuyên nghiệp của Đơn vị đấu thầu nên đã hạn chế được các yếu tố sai sót, do đó hoạt động đấu thầu nhanh hơn"- đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Khoa Dược của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khoa Dược của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thái Bình - Ảnh: BVCC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-benh-vien-lon-kham-6000-8000-nguoi-dieu-tri-hang-nghin-ca-noi-tru-lam-gi-de-dam-bao-cung-ung-thuoc-vat-tu-169241026165057835.htm