Hai Bộ trưởng cùng đưa ra giải pháp giải quyết ngập úng tại đô thị
Tại phiên chất vấn sáng nay, 4-6, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp căn cơ khắc phục ngập úng ở các đô thị.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, trong những nguyên nhân gây ra ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn là các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh có giải pháp giải quyết tình trạng này.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, do quá trình phát triển đập, ao hồ, thủy điện - một trong những nguyên nhân do quá trình đô thị hóa.
Trước đây, chúng ta chưa quy hoạch bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Hiện nay mới chỉ là quy hoạch phát triển đô thị, chủ yếu về hạ tầng, dịch vụ, dân cư mà chưa tính sâu, sát về định hướng lâu dài.
Ao, hồ là để điều tiết, giữ, tích trữ nước khi mưa lớn, sau đó hệ thống thoát nước chảy không kịp. Ao, hồ còn là cảnh quan môi trường trong đô thị nhưng đây cũng là nhân tố gây ngập úng đô thị vì do mật độ xây dựng.
Vì vậy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị hiện nay là do quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhiều dãy phố, dãy nhà cũng như do hệ thống thoát nước khi mưa lớn chưa đảm bảo ở nhiều đô thị.
Do đó, việc chống ngập úng ở đô thị thì hệ thống phải đồng bộ, phải có thể tích để chứa, để thoát. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn thời gian tới, có nhiều ao hồ vừa là cảnh quan vừa là nơi tích trữ nước, giữ nước khi mưa lớn, chống tràn, ngập úng ở các đô thị.
“Cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách đồng bộ và bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM” - Bộ trưởng nói.
Cùng trả lời về vấn đề ngập úng đô thị do san lấp ao, hồ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, tình trạng này diễn ra phức tạp do một số nguyên nhân như tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị; việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức của người dân còn chưa cao, việc xả rác thải vẫn còn diễn ra... dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp: Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn, Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến xử lý nước thải.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Thứ ba, tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.
Giải pháp thứ tư là tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.