Hai ca thai ngoài tử cung rất hiếm gặp
Sáng 30-8, Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP HCM) đã cho bệnh nhân B.T.B.T (SN 1998, ngụ tỉnh Kiên Giang) xuất viện sau gần 1 tuần phẫu thuật mổ lấy thai ngoài tử cung. Trước đó, sau khi chẩn đoán bệnh nhân mang thai ngoài tử cung và trong tình trạng nguy hiểm, BV Kiên Giang, nơi chị B.T điều trị ban đầu, đã tiến hành mở ổ bụng để tìm cách loại bỏ khối thai nhưng không thể tìm thấy. Lo sợ tính mạng bệnh nhân bị đe dọa bởi tình trạng xuất huyết nội do vỡ thai ngoài tử cung, BV Kiên Giang đã chuyển chị B.T đến BV Từ Dũ.
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, kết quả chẩn đoán ban đầu của BV này cũng xác định thai ngoài tử cung, nội soi ổ bụng tuy thấy 150 ml máu nhưng không phát hiện thai, nồng độ beta hCG liên tục tăng cao (dấu hiệu phổ biến cho thấy tình trạng có thai của phụ nữ). Các BS cố gắng tìm kiếm khối thai qua những phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Cuối cùng, kết quả MRI ngày 23-8 xác định khá rõ khối bất thường có đường kính khoảng 60 mm nằm ở mặt dưới phân thùy giữa gan trái, ép vào thùy dưới và có thể làm tổn thương động mạch chủ bụng.
Chị B.T được phẫu thuật nội soi, các BS phát hiện khối thai ngoài tử cung nằm sau phúc mạc, ngay sau cuống gan và giữa các mạch máu chính. Nếu để lâu hơn, gai nhau có thể xâm lấn, xuyên qua các phần của gan, cuống gan hoặc các mạch máu chính làm bệnh nhân xuất huyết nặng và tử vong. Ca phẫu thuật phức tạp cần đến khá nhiều chuyên khoa với kíp mổ 9 BS, kỹ thuật viên. Sau ca mổ, chị B.T đã phục hồi khá tốt.
Theo BS Nhi, trong các ca thai ngoài tử cung thì có đến 97% thai nằm ở vị trí vòi trứng; 3% còn lại ở các vị trí khác như cổ tử cung, sẹo mổ, ổ bụng, buồng trứng, gan, thận… Trong đó, thai nằm ở khu vực gan là cực kỳ hiếm gặp, khó xử lý và rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
Trong khi chị B.T nằm điều trị hậu phẫu tại Khoa Nội soi thì một bệnh nhân thai ngoài tử cung hiếm gặp khác lại nhập viện. Đó là chị Đ.T.T.T (30 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre). Chị T.T từng phải phẫu thuật loại bỏ thai ngoài tử cung và một bên vòi trứng phải. Lần này, chị lại tiếp tục mang thai ngoài tử cung và thai bám ở vị trí dây chằng rộng bên phải tử cung. Đây là một vị trí thuộc nhóm 3% hiếm gặp nêu trên, tuy có phần ít nguy hiểm hơn gan nhưng nếu vỡ, bệnh nhân cũng có nguy cơ tử vong cao.
Do tuổi thai đã 6-7 tuần, thai sống và tiếp tục phát triển nên các BS lo ngại nó sẽ sớm bị vỡ. “Vì vậy, chúng tôi đã phải phẫu thuật cho bệnh nhân T.T ngay trong đêm” - BS Bùi Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Từ Dũ, cho biết.
Các nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung có thể là bất thường bẩm sinh ở vòi trứng; vòi trứng và buồng tử cung bị ảnh hưởng do viêm nhiễm, nạo phá thai và các bệnh lý phụ khoa khác; những tổn thương vi thể do thủ thuật buồng tử cung (nạo thai hay kỹ thuật hỗ trợ sinh sản)… Thai ngoài tử cung có tỉ lệ khoảng 0,45%-1% trên các ca mang thai. Với những người từng mang thai ngoài tử cung thì tỉ lệ tái phát lên đến 20%-25%. Đa số các trường hợp thai ngoài tử cung có thể được phát hiện khi đi khám.Bài và ảnh: Anh Thư
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/hai-ca-thai-ngoai-tu-cung-rat-hiem-gap-20160830210425352.htm