Hai câu chuyện nóng mùa đại hội ngân hàng
Tăng trưởng tín dụng - câu chuyện vốn vẫn 'nóng' trong hệ thống ngân hàng bởi là nguồn vốn chủ lực của nền kinh tế, nhưng năm nay, vấn đề này nóng hơn do những dự báo về ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ.

Cổ đông tại nhiều ngân hàng băn khoăn về tác động của chính sách thuế quan của Mỹ
Theo dõi sát diễn biến đàm phán
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức tuần qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình nhận định, những thay đổi về chính sách thuế quan tại Mỹ có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến Việt Nam và các ngân hàng, trong đó có VietinBank.
“Chúng tôi có Hội đồng cố vấn kinh tế gồm các chuyên gia hàng đầu, họp định kỳ để đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu, những xu hướng có thể tác động đến Việt Nam, các ngành kinh tế và cụ thể là đến VietinBank. Những đánh giá này được tích hợp vào mô hình toán học của Ngân hàng để phục vụ việc xây dựng chiến lược kinh doanh”, ông Bình chia sẻ.
Nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn từ chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng VietinBank chưa đưa yếu tố này vào mô hình kinh doanh năm 2025, vì hiện tại rất khó định lượng cụ thể mức độ tác động. Tuy nhiên, Ngân hàng đã tính đến các kịch bản bất lợi và có phương án chủ động. Do đó, kịch bản kinh doanh của VietinBank về cơ bản không thay đổi nhiều, ngay cả khi có biến động kinh tế toàn cầu.
“Chúng tôi đang theo dõi rất sát các diễn biến đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ và sẵn sàng có những điều chỉnh cụ thể khi có thông tin rõ ràng hơn”, ông Bình nói.
Liên quan đến câu hỏi về tăng trưởng tín dụng sẽ chịu tác động như thế nào khi VietinBank có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp FDI khá cao, ông Bình thừa nhận, năm 2025 sẽ khó khăn hơn so với năm 2024, nhất là khi mức độ hấp thụ tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao. Điều này cũng phù hợp với quy luật của quý I hằng năm. Dù vậy, VietinBank vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định, hiện khoảng 5%, theo hướng bền vững, tháng sau cao hơn tháng trước.
Theo ông Bình, động lực tăng trưởng tín dụng sẽ chịu ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan, nhưng VietinBank cũng nhìn thấy tín hiệu tích cực từ việc Ngân hàng đang bám sát và chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công quy mô lớn của các chủ đầu tư cả trong và ngoài nước. Ngân hàng đang tính toán cụ thể để hiện thực hóa việc cung cấp vốn và dịch vụ cho các dự án này.
“Ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế quan của Mỹ đến VietinBank không lớn, dù Ngân hàng có tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp FDI khá cao. Do đó, các kế hoạch kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận đã được đặt ra không thay đổi. Ban lãnh đạo VietinBank cam kết kết quả kinh doanh năm 2025 sẽ ấn tượng và tăng trưởng so với năm 2024”, Chủ tịch VietinBank nói.
Những vấn đề tương tự cũng được cổ đông MSB đặt ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Đối với câu hỏi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 tới 20% có cao trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, năm 2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 18,25% nên kế hoạch năm 2025 tăng 20% là khả thi trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay (16%) cao hơn năm ngoái.
“Hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng MSB đã đạt được gần 9%, nên 9 tháng còn lại của năm 2025 với 11% tăng trưởng tín dụng là hoàn toàn khả thi”, ông Linh nhấn mạnh.
Trước diễn biến khó lường của chính sách thuế quan của Mỹ, ông Linh cho biết, tổng dư nợ của MSB hiện là 191.000 tỷ đồng, trong đó một số ngành nghề dự kiến chịu tác động từ thuế quan như gỗ, cá tra, máy ảnh, hóa chất, hạt điều... chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ, khoảng 9,5% (3.900 tỷ đồng).
“Chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ về năng lực hoạt động, đáp ứng thị trường của các khách hàng lĩnh vực này. Hiện nay, MSB đang kiểm soát tương đối tốt, trong trường hợp xấu nhất, tỷ lệ nợ xấu có thể lên khoảng 2,3% trên tổng danh mục nhóm này, còn tỷ lệ nợ xấu của toàn MSB vẫn sẽ kiểm soát quanh mức 1,8%”, ông Linh nói.
“Nước đến đâu bắc cầu đến đó”
Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, đang gặp khó khăn do những yếu tố từ chiến tranh thương mại và thuế quan.
Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/3/2025 đạt 7,8% nhờ Ngân hàng phát triển mạnh khách hàng chiến lược trong hệ sinh thái, khách hàng doanh nghiệp lớn và SME... Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của SHB nhiều khả năng sẽ đạt được.
Trước những băn khoăn của cổ đông về tác động của chính sách thuế quan của Mỹ tới Ngân hàng, ông Đỗ Quang Hiển thông tin, cách đây một tuần, ông đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ. Ông Hiển trấn an, cổ đông có thể yên tâm, hai bên đã tìm được giải pháp chung cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ. Bên cạnh đó, SHB đã làm việc với các khách hàng và xác định rõ, tỷ trọng ảnh hưởng không lớn. Ngân hàng cũng đã chủ động đưa ra các kịch bản để ứng phó với diễn biến có thể xảy ra, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cùng phát triển.
Với TPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do những yếu tố từ chiến tranh thương mại và thuế quan. Tổng dư nợ tín dụng của TPBank đối với các khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ khoảng 10.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh số từ thị trường Mỹ của các doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%, vì vậy mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Ngân hàng đã rà soát và xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng mới, nhất là những khoản tín dụng liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ như nông sản, thủy sản.
“Thị trường Mỹ vốn đã khó khăn, ngay cả trong thời kỳ bình thường. Với tình hình thuế suất cao hiện tại, việc kiếm lợi nhuận từ xuất khẩu sang Mỹ càng trở nên khó khăn hơn”, ông Hưng đánh giá.
Đối với các doanh nghiệp FDI, ông Hưng chia sẻ, nhóm doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng các dịch vụ thanh toán mua bán kinh doanh ngoại tệ, L/C nên không ảnh hưởng tới Ngân hàng. Có thể có 2 - 3 doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn, nhưng Ngân hàng đã sát sao, có phương án để hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi thị trường nếu cần thiết.
Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank, Ngân hàng đã có nhiều cuộc họp đánh giá về cuộc chiến thương mại và đưa ra nhận định ở hai góc độ.
Thứ nhất, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay, tăng trưởng ở mức hai con số trong các năm sau, nên trách nhiệm là một trong 16 tổ chức tín dụng có vai trò ảnh hưởng lớn của hệ thống, TPBank sẽ nỗ lực cùng với ngành ngân hàng góp phần thực hiện các mục tiêu này.
“Chúng tôi chưa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nên đương nhiên phải có một số biện pháp và trên nguyên tắc nước đến đâu bắc cầu đến đấy”, ông Phú nói
Thứ hai, TPBank xây dựng kịch bản, khi khách hàng gặp khó khăn sẽ sử dụng lợi nhuận của Ngân hàng để chia sẻ, giúp khách hàng vượt qua tình trạng này.
“Với tinh thần sẵn sàng chia sẻ phần lợi nhuận của mình thì kế hoạch kinh doanh năm 2025 không hẳn sẽ là 9.000 tỷ đồng và trong trường hợp này, tôi chắc chắn cổ đông cũng hoàn toàn đồng ý với chúng tôi là sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận”, ông Phú chia sẻ.
Về động lực tăng trưởng tín dụng quý I/2025 của TPBank đến từ đâu, ông Nguyễn Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm nay đạt 3,6%, so với mức trung bình toàn ngành là 2,5% và tính đến trước thời điểm họp đại hội đồng cổ đông ngày 24/4/2025, tín dụng của Ngân hàng đã tăng lên 4,5%. Phần lớn tín dụng được giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cho vay tiêu dùng của người dân như mua nhà, mua xe…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đi đúng định hướng, đảm bảo hoạt động tín dụng được thực hiện một cách an toàn và bền vững”, ông Hưng nói.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hai-cau-chuyen-nong-mua-dai-hoi-ngan-hang-post368318.html