Hai chỉ số 'đội sổ' của du lịch Việt Nam

Trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2024, có 2 chỉ số của ngành du lịch Việt Nam bị xếp ở vị trí 119/119 nền kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của WEF năm 2024, nhóm chỉ số xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là Tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch, đạt 2,85 điểm, xếp gần cuối bảng ở vị trí 115/119. Nhóm chỉ số này gồm 4 chỉ số phụ, đo lường tác động kinh tế và xã hội của ngành du lịch và lữ hành, bao gồm đóng góp cho ngành kinh tế, tạo công ăn việc làm, cung cấp việc làm thu nhập cao và bình đẳng giới trong lực lượng lao động.

Trong nhóm này, Việt Nam chịu 2 chỉ số xếp "bét bảng" ở vị trí 119/119 nền kinh tế, đó là "Tourism and Travel GDP Multiplier" (tạm dịch: Hệ số nhân GDP từ du lịch và lữ hành) - tính toán tỷ lệ giữa GDP gián tiếp và phát sinh từ du lịch so với GDP đóng góp trực tiếp từ du lịch và lữ hành; và "Tourism and Travel Employment Multiplier" (tạm dịch: Hệ số nhân việc làm từ du lịch và lữ hành) - tính toán tỷ lệ giữa việc làm gián tiếp và phát sinh từ du lịch so với việc làm đóng góp trực tiếp từ du lịch và lữ hành.

Một chuyên gia trong ngành du lịch lý giải, hai chỉ số nêu trên nói về mức đóng góp của ngành du lịch vào tỷ trọng GDP (đo mức độ tác động kinh tế) và tỷ lệ việc làm gián tiếp (đo mức độ tác động xã hội). Thứ hạng thấp của hai chỉ số này cho thấy đóng góp của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Tỉ lệ quá nhỏ giữa số lượng việc làm gián tiếp và trực tiếp cho thấy tác động lợi ích xã hội của ngành du lịch chưa cao.

"Các chỉ số này cho thấy hiện nay lực lượng lao động du lịch Việt Nam chủ yếu là nhóm trực tiếp làm việc trong các khu vực khách sạn, lữ hành, khu điểm du lịch. Còn số việc làm mà ngành du lịch gián tiếp tạo ra ở các khu vực kinh tế dịch vụ khác là chưa đáng kể; hay nói cách khác là ít tạo ra công ăn việc làm hay cơ hội việc làm cho xã hội, người dân địa phương không được hưởng lợi nhiều", vị chuyên gia cho biết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam đã từng tự hào cách đây 2 năm là một trong những quốc gia có sự cải thiện năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới, theo đánh giá của WEF năm 2022, thì giờ Việt Nam cần chấp nhận việc WEF đánh tụt hạng, từ đó soi xét lại những mặt làm được và chưa làm được.

"Không thể trong cùng một hệ thống đánh giá, các chỉ số điểm cao thì đúng mà các chỉ số điểm thấp lại chưa chính xác. Báo cáo độc lập trên 119 nền kinh tế nên các dữ liệu được sử dụng để phân tích đánh giá chắc chắn đã được WEF tính toán, nhằm bảo đảm không có sự sai sót do thiếu dữ liệu của các quốc gia. Do đó khả năng chỉ số xếp hạng thiếu chính xác khi đánh giá tại Việt Nam là không cao. Bởi nếu như vậy chúng ta phải nghi ngờ tính chính xác tại cả những nền kinh tế được xếp hàng đầu tiên như Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản... ", vị chuyên gia đặt vấn đề.

Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam cũng cần quan tâm đến nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành (hạng 98, so với hạng 87 năm 2021) và Hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 80, so với hạng 86 năm 2021). Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024, Chính phủ giao mục tiêu năm 2024, nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc so với năm 2021. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu thứ hạng Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc (so với hạng 52 năm 2021).

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/hai-chi-so-doi-so-cua-du-lich-viet-nam-post1097764.vov