Thủ tướng Phạm Minh Chính dự WEF Đại Liên: 'Mở khóa' chân trời tăng trưởng mới

Nhận lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tại Đại Liên, Trung Quốc từ ngày 24-27/6.

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Đại Liên, Trung Quốc vào tuần tới. (Nguồn: WEF)

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Đại Liên, Trung Quốc vào tuần tới. (Nguồn: WEF)

Sự góp mặt của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF một lần nữa khẳng định hợp tác giữa Việt Nam và WEF đang ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới “hạ cánh mềm” theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khi tăng trưởng dần phục hồi và áp lực lạm phát hạ nhiệt, tốc độ đổi mới và sự phát triển nhanh chóng về công nghệ cùng trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy các ngành công nghiệp tiến bước.

Tuy nhiên, theo WEF, những rủi ro và căng thẳng vẫn hiện hữu, thời điểm hiện tại đòi hỏi sự tham gia của các quốc gia để đưa nền kinh tế thế giới bước sang giai đoạn phát triển bền vững. Chỉ với những mức độ hợp tác phù hợp, những chân trời tăng trưởng mới sẽ được “mở khóa”.

Sáu chủ đề lớn

Lấy chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 là hoạt động có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos, nhằm thảo luận về các vấn đề mới, sáng tạo ở quy mô toàn cầu.

Sự kiện gồm 150 phiên, quy tụ hơn 1.600 lãnh đạo cấp cao từ các chính phủ, doanh nghiệp, tập đoàn, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả… cùng nhau thảo luận xung quanh sáu chủ đề lớn: Chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế; Trung Quốc và thế giới; Khởi nghiệp trong thời đại AI; Các xu thế chuyển đổi của các ngành công nghiệp; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; Cách tiếp cận hệ thống đối với khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.

Chia sẻ trước thềm Hội nghị, GS. Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF cho biết: “Trước những thách thức toàn cầu chưa từng có, sức mạnh của sự hợp tác và đổi mới là không thể phủ nhận. Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF sẽ cung cấp một nền tảng độc đáo để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và thúc đẩy các giải pháp mang tính tiên tiến để định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu”.

Còn theo ông Liming Chen, Chủ tịch WEF của Trung Quốc, tiến bộ khoa học và công nghệ sẽ là động lực chính cho phát triển kinh tế thế giới. “Hội nghị lần này bàn về những động lực tăng trưởng toàn cầu, sẽ mang đến cơ hội kịp thời để hợp tác thúc đẩy tiềm năng đổi mới năng động và tạo tiền đề cho động lực kinh tế bền vững, trong khu vực và hơn thế nữa”, ông nhấn mạnh.

Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab, là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới.

MOU tập trung vào hợp tác trong sáu lĩnh vực gồm: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR).

Việt Nam - WEF: Đi vào chiều sâu, thực chất

Tham dự Hội nghị WEF Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể; dự Tọa đàm với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF; dự Phiên đối thoại với các CEO hàng đầu của WEF do GS. Klaus Schwab chủ trì; dự và phát biểu tại Phiên ăn trưa làm việc “Hướng đến tăng trưởng kinh tế hợp tác”; tiếp GS. Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF; tiếp một số lãnh đạo hiệp hội, tập đoàn trong lĩnh vực đầu tư, khoa học và công nghệ.

Kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF thường xuyên được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, thường xuyên tham dự các hội nghị lớn của WEF. Việt Nam đã năm lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019 và 2024); một lần tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF tại Thiên Tân (2023); bốn lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017). Lãnh đạo hai bên đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF GS. Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023).

Việt Nam luôn thể hiện sự năng động, tích cực đề xuất những ý tưởng mới, triển khai những kế hoạch hợp tác thiết thực. Dấu ấn nổi bật của Việt Nam là phối hợp cùng với WEF tổ chức Hội nghị WEF Đông Á) từ 6-7/6/2010 tại TP. Hồ Chí Minh; Hội nghị WEF Mekong năm 2016 tại Hà Nội; Hội nghị WEF ASEAN năm 2018…

Đáng chú ý, Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF lần thứ nhất vào tháng 10/2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”. Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.

Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ hai với chủ đề “Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”. Đây cũng là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng đã có lịch trình làm việc dày đặc trong gần 24 tiếng, gồm tham dự và phát biểu tại nhiều phiên họp quan trọng, có các cuộc trao đổi thực chất, hiệu quả, cởi mở với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn hàng đầu thế giới. Sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các Hội nghị WEF tại Trung Quốc mang nhiều ý nghĩa và đạt nhiều kết quả quan trọng, được WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao.

Có thể nói, thông qua việc tăng cường hợp tác qua các chương trình, dự án và tham dự các hội nghị của WEF, phối hợp tổ chức thành công các sự kiện đã góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường quan hệ với các tập đoàn toàn cầu, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển - quản trị tiên tiến.

Diễn dàn Kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư, do GS. Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm An ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.

Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng Giêng tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các Diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN... Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật... hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Diễn Tú

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-wef-dai-lien-mo-khoa-chan-troi-tang-truong-moi-275791.html