Hai chi tiết đóa sen và con ốc chính thức 'đoàn tụ' tượng gốc Bồ tát Tara
Sau hàng chục năm 'lạc' nhau, hai chi tiết đóa sen và con ốc đã được chuyển giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để 'đoàn tụ' cùng bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara.
Ngày 9/12, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức lễ bàn giao hai chi tiết liên quan bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (còn gọi là Bồ tát Tara) cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng.
Theo đó, hai chi tiết của bức tượng được bàn giao cho là con ốc và đóa hoa sen trên tay cầm của tượng Bồ tát Tara.
Tượng Bồ tát Tara được phát hiện năm 1978 bởi người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định (nay là xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), trong quá trình đào đất làm gạch gần khu đền thờ chính khu Phật viện Đồng Dương.
Bức tượng có tuổi đời khoảng 1.200 năm, được đúc bằng đồng nguyên khối cao hơn 1,1m hình nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước, tóc được búi lại thành hình chóp (jata), trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà. Hiện bức tượng được bảo quản trong kho của Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP Đà Nẵng. Tượng Bồ tát Tara được đánh giá không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất vùng Đông Nam Á.
Trong khi đó, hai hiện vật trên tay cầm của bức tượng là con ốc và đóa hoa sen bị đứt lìa được người dân phát hiện sau đó và được Bảo tàng Quảng Nam tiếp nhận bảo quản từ năm 2019.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, việc bàn giao hai hiện vật nhằm hoàn chỉnh bảo vật quốc gia, phát huy tốt nhất các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Đồng thời, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của công chúng.
Tại lễ tiếp nhận, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định trao tặng bằng khen cho chính quyền và nhân dân thôn Đồng Dương trong việc phát hiện, bảo quản và chuyển giao hai hiện vật của bảo vật quốc gia cho cơ quan chức năng.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao TP Đà Nẵng đánh giá bức tượng Bồ tát Tara là hiện vật quan trọng nhất của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Tuy nhiên lâu nay bức tượng thiếu hai chi tiết quan trọng, hạn chế giá trị hiện vật.
Theo ông Vỹ, chi tiết con ốc và đóa sen của hiện vật tượng trưng cho sự tinh khiết, tình yêu và sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Việc đưa hai chi tiết về với tượng gốc có giá trị quan trọng, giúp hoàn thiện bảo vật và di sản văn hóa Chăm.