Hai chiếc A380 vào 'lò mổ', kết thúc đế chế tàu bay siêu lớn
Hai chiếc siêu tàu bay A380 của Singapore Airlines (SIA) vừa được kéo đi 'xẻ thịt' đánh dấu chấm hết cho thời kỳ lừng lẫy của những gã khổng lồ trong thị trường máy bay chở khách.
Đầu tháng 10 vừa qua, người dân Singapore đã được chứng kiến một cảnh tượng có 1-0-2, khi hai siêu tàu bay Airbus A380 của SIA được kéo đi dọc các tuyến phố. Tuy nhiên, đây không phải là một buổi diễu hành chào mừng sự kiện gì cả, mà là những giây phút cuối cùng của hai siêu tàu bay lừng lẫy một thời trước khi bị mang đi "xẻ thịt" ở Trung tâm Triển lãm Changi.
Đây là 2 trong số 7 chiếc A380 mà SIA đã thông báo sẽ cho nghỉ hưu từ tháng 11 năm ngoái, trong bối cảnh hãng hàng không này lỗ ròng 3,5 tỷ SGD nửa đầu năm do lượng hành khách sụt giảm gần 99% vì đại dịch. 7 chiếc A380 của hãng đã phục vụ vận tải khách được khoảng 10 năm, trước khi bay ra nước ngoài để cất giữ hoặc bị mang đi tháo dỡ.
Việc tháo dỡ máy bay sẽ do Công ty Kỹ thuật SIA, một phân nhánh chuyên về bảo trì, sửa chữa và đại tu hàng không của hãng SIA, với nhiều năm kinh nghiệm bảo trì tất cả các loại máy bay đảm nhiệm.
Để phục vụ cho công tác di dời hai siêu tàu bay, một số tuyến đường đã bị hạn chế lưu thông. Tuy nhiên, sự kiện hiếm có này vẫn thu hút những đám đông người đi xe đạp, đi bộ hiếu kỳ. Anh Yeong Zi Feng, 18 tuổi, sinh viên bách khoa cho biết đã đi loanh quanh khu vực này suốt hơn 1 tiếng đồng hồ trước đó để tìm vị trí đặt máy ảnh.
"A380 là một tàu bay khủng mà không phải quốc gia nào cũng có. Tôi rất muốn có một bức ảnh về sự kiện này." - Anh nói.
"Thành thật mà nói thì... hơi lãng phí. A380 sinh ra không đúng thời điểm." - anh Teng Joon Seng, 18 tuổi, một người đam mê về hàng không cho hay.
Các bộ phận của A380 sẽ đi về đâu?
Theo người phát ngôn của SIA, các bộ phận của A380 sau khi bị tháo dỡ có thể được giữ lại làm phụ tùng thay thế cho đội bay A380 hiện còn hoạt động của hãng. Vào thời điểm tuyên bố ngừng hoạt động 7 chiếc A380, SIA đang vận hành một đội bay gồm 19 chiếc máy bay cỡ siêu lớn (superjumbo).
Các bộ phận khác như: thân máy bay, cửa sổ cabin, khoang trên cao, ghế ngồi, áo phao, đồ nội thất, xe đẩy, giá đỡ... sẽ được tái sử dụng cho một sáng kiến nâng cấp của SIA đã được tuyên bố vào tháng 8. Với sáng kiến này, SIA sẽ cung cấp các bộ phận và vật liệu từ những chiếc máy bay đã nghỉ hưu cho những tổ chức khác nhau tại Singapore và một số thương hiệu bán lẻ toàn cầu được tuyển chọn. Những bộ phận, vật liệu này có thể được nâng cấp và tái chế để tạo ra các sản phẩm khác hoặc những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, cũng như được sử dụng để hỗ trợ công tác giáo dục, nghệ thuật và người khuyết tật.
Tại sao A380 hết thời?
SIA là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới khai thác các chuyến bay thương mại trên dòng tàu bay A380 từ tháng 10/2007, nhưng chỉ khoảng 10 năm sau đó, hãng đã trả lại 2 chiếc sau khi hết hạn hợp đồng thuê.
Dù nhiều người ca ngợi sự yên tĩnh và rộng rãi của A380, nhu cầu về mẫu máy bay 544 chỗ ngồi vẫn giảm xuống khi nhiều hãng hàng không dần chuyển từ mẫu máy bay 4 động cơ sang loại động cơ đôi nhỏ hơn, hiệu quả hơn. Mẫu A380 quá lớn nên các hãng hàng không gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấp đầy các ghế, chưa kể nó chỉ phù hợp với những đường bay lớn. Một vấn đề khác là những đối thủ cạnh tranh của A380 như Boeing 777-300ER, Boeing 787 và Airbus A350 có chi phí chỗ ngồi rất cạnh tranh từ góc độ của các hãng hàng không. Nhờ đó mà chi phí vận hành thấp hơn đáng kể. Tất cả những yếu tố này đã dẫn tới sự sụp đổ của tượng đài A380.
Mặc dù vậy, đây không phải là dấu chấm hết cho số phận của dòng A380. SIA cam kết sẽ nâng cấp cabin 12 chiếc A380 còn lại của hãng, tín hiệu cho thấy những gã khổng lồ này vẫn có hi vọng trở lại khi nhu cầu tăng lên. Hiện tại, một vài chiếc A380 vẫn đang được cất giữ tại kho Alice Springs, Australia.
Dù không hiệu quả đối với các hãng hàng không nhưng A380 lại có lượng fan hâm mộ rất lớn vì nó rộng rãi, thoải mái và rất yên tĩnh. Nó chắc chắn là một biểu tượng không thể xóa nhòa trong trái tim của nhiều hành khách.