Hai cực Trái đất chao đảo

Một nhóm khoa học gia đã phải tìm đường xuyên qua thành phố băng trôi khi đến Nam Cực nghiên cứu hệ sinh thái dưới nước gần đây.

Một số tảng băng cao đến hơn 90 m. Một con hải cẩu voi vắt vẻo trên mảnh băng xa lục địa, nơi lẽ ra nó không có mặt. "Tình trạng tan chảy diễn ra nhiều hơn tôi nghĩ" - giáo sư Patricia Yager từ Khoa Khoa học hàng hải - Trường ĐH Georgia (Mỹ), nói với đài CNN.

Sông băng Thwaites - đôi khi được gọi là sông băng Ngày tận thế - kích thước gần bằng bang Florida của Mỹ, cùng phần lớn băng ở Tây Nam Cực đang tan chảy nhanh chóng.

Con hải cẩu voi đuổi theo bữa ăn là các loài nhuyễn thể, các loài nhuyễn thể lại theo thực vật phù du, vốn nở rộ theo dòng nước giàu sắt từ băng tan chảy, cho thấy quá trình mất băng đã nghiêm trọng như thế nào.

Một con hải cẩu voi nằm vắt vẻo ở nơi lẽ ra nó không hiện diện, trên một mảnh băng xa lục địa Ảnh: VIỆN CÔNG NGHỆ HOÀNG GIA KTH - THỤY ĐIỂN

Một con hải cẩu voi nằm vắt vẻo ở nơi lẽ ra nó không hiện diện, trên một mảnh băng xa lục địa Ảnh: VIỆN CÔNG NGHỆ HOÀNG GIA KTH - THỤY ĐIỂN

Một số quần thể đã thích nghi cực tốt, thậm chí còn phát triển như tảo, cá băng, hải cẩu, sứa... Nhưng khi hết băng để tan chảy, vùng nước giàu sắt trôi đi, thực vật phù du sẽ chết và hệ sinh thái nở rộ tạm thời sẽ bị phá hủy.

Còn trên phần lục địa đang bị thu hẹp dần, chim cánh cụt Adélie, vốn phụ thuộc vào băng biển, đã suy giảm nghiêm trọng về số lượng. Số sống sót đang cố gắng di cư về phía có nhiều băng biển hơn nhưng không ai có thể dự đoán kết cục.

Mới đây, nghiên cứu của nhà sinh vật học Marcela Libertelli từ Viện Nam Cực Argentina (IAA) khẳng định chim cánh cụt hoàng đế có thể tuyệt chủng trong 30-40 năm nữa.

Ở đầu kia thế giới, tại đảo băng giá Greenland gần cực Bắc, ông Ujarneq Egede ở Narsaq đang nỗ lực duy trì trang trại trong tình trạng mùa hè ngày càng khô hạn, mùa khác lại có quá nhiều mưa, mùa đông đến muộn...

Khí hậu nóng đe dọa hệ sinh thái nhưng tạo điều kiện cho việc khai thác tài nguyên như đất hiếm và uranium, khách du lịch cũng dồi dào hơn. Tuy nhiên, để những điều đó không hủy hoại thêm đảo băng là một thách thức.

Theo The Guardian, người đứng đầu Greenland Múte B Egede mới đây đề ra chiến lược về "nền kinh tế phục hồi": Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, sử dụng 3 mũi nhọn ngư nghiệp, khai thác đất hiếm và du lịch. Địa hình Greenland cũng có lợi cho thủy điện an toàn, ngoài ra có thể đầu tư hệ thống thu thập CO2 chuyển đổi thành nhiên liệu xanh.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hai-cuc-trai-dat-chao-dao-2022050822312794.htm