Hai cựu giảng viên lĩnh án vì 'phím' đề thi tốt nghiệp THPT
Ngày 14/7, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án 'phím' đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học năm 2021 đối với ông Bùi Văn Sâm (SN 1949) và bà Phạm Thị My (SN 1963, đều là cựu giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội)...
Sau khi xem xét, tòa án phạt bà My mức án 13 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam, ông Sâm nhận 12 tháng tù nhưng cho cải tạo không giam giữ về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc cho dư luận. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021.
Theo Hội đồng xét xử, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là kỳ thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, khảo sát năng lực của các trí thức trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, mà còn là thước đo kết quả của công tác giáo dục và đào tạo.
Kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên nên nếu xảy ra hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hướng xấu đến uy tín của nhà nước, ngành giáo dục.
"Thời điểm mà các bị cáo thực hiện các hành vi trái công vụ diễn ra trong giai đoạn làm ngân hàng câu hỏi nên về bản chất đây không phải là vụ án lộ đề thi. Song các hành vi này đã tạo ra dư luận không tốt trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2021", tòa nhận định.
Cáo trạng thể hiện, ông Sâm và bà My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học. Trong đó ông Sâm làm tổ trưởng, bà My làm tổ phó.
Do biết được phần mềm rút câu hỏi không phải ngẫu nhiên nên ông Sâm, bà My đã lợi dụng chức vụ được giao để mang tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi. Cả hai sắp xếp câu hỏi vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức. Sau đó, hai người này dùng câu hỏi trên để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12.
Các mã đề trên được các thành viên Tổ ra đề thi thẩm định, phản biện, chỉnh sửa. Tuy nhiên, nội dung vấn đề hỏi vẫn được giữ nguyên. Một số câu thay đổi cách hỏi hoặc thay đổi vị trí, phương án khác nhau trong đáp án và được Hội đồng ra đề thi phê duyệt làm đề thi chính thức.
Quá trình điều tra, ông Sâm tự nguyện giao nộp 3 tập tài liệu do bà My in và chuyển cho ông Sâm. Do chiếc USB lưu trữ nội dung các tài liệu câu hỏi thi và đáp án do bà My và ông Sâm biên tập, soạn thảo đã bị mất nên cơ quan điều tra không thu giữ được.
Hội đồng giám định Bộ giáo dục và Đào tạo xác định, tập tài liệu do ông Sâm cung cấp với 4 tổ hợp đề thô 210,211,212,213 có nội dung giống các câu hỏi giống tổ hợp đề thi chính thức trên 70%.
Tại tòa, ông Sâm khai nhận, sau khi nghỉ hưu, nhiều năm liền, ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tín nhiệm mời tham gia ra đề thi, làm Tổ trưởng.
Năm 2021, công tác ra đề được Bộ chia làm 5 đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, tổ ra đề mỗi đợt có khoảng 10 thầy cô khắp cả nước. Người ở xa có chế độ ở lại khách sạn, những giáo viên ở Hà Nội như ông Sâm, sáng đi chiều về. Tất cả đều được phổ biến và ký cam kết về việc bảo mật công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi.
Trong các đợt làm đề, ông Sâm được bà My ba lần đưa các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được các thành viên biên soạn, đưa vào xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ông trực tiếp chỉnh sửa, đưa lại cho bà My để đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.
Theo lời khai, ông Sâm không chủ động bàn tán gì với My và không hiểu quy luật chọn rút câu hỏi của phần mềm quản lý nên nhờ bà My lưu các câu hỏi vào máy tính.
Còn bà My khai nhận, tài liệu mang ra khỏi khu vực xây dựng đề thi không phải là câu hỏi mà chỉ là “ý tưởng câu hỏi”. Từ các ý tưởng này, hai người sau đó tại nhà riêng, chỉnh sửa thành câu hỏi để đưa vào ngân hàng câu hỏi. Bà cho rằng ông Sâm "cao tuổi, trí nhớ không tốt" nên mới khai rằng bà mang câu hỏi đã in sẵn ra đưa cho.
Bởi theo trí nhớ của bà, không có "tập tài liệu" nào mà chỉ là một mảnh giấy A4 bà viết tay. Ý tưởng câu hỏi cũng không phải của tất cả thành viên trong tổ, mà chỉ của riêng bà.
Bà My cũng phủ nhận việc "biết quy luật lựa chọn đề thi" của máy chủ, bởi năm 2021 là năm đầu tiên bà biết đến chiếc máy đó. Các năm trước, việc sắp xếp bản cứng câu hỏi, bà thực hiện thủ công, hơn nữa cũng do từng thành viên trong tổ ra đề thi tự xếp vào 40 ô ngẫu nhiên, bà không có quyền can thiệp nội dung.
Cáo trạng thể hiện, trong vụ án này, một số cán bộ của Trung tâm khảo thí quốc gia đã chỉnh sửa phần mềm nên phần mềm không rút câu hỏi ngẫu nhiên mà rút các tổ hợp câu hỏi trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.
Việc này thay đổi cơ chế “xuất đề” của phần mềm và không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên.
Cơ quan điều tra, Bộ Công an kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan. Đồng thời rà soát quy trình, quy chế để khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra sai phạm tương tự.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hai-cuu-giang-vien-linh-an-vi-phim-de-thi-tot-nghiep-thpt.htm