Hai đại tướng Nga liên tục từ chối điện thoại của Lầu Năm Góc: Cảnh báo kịch bản nguy hiểm
Kênh liên lạc cấp cao không thông suốt giữa lãnh đạo hai bộ quốc phòng Mỹ và Nga làm dấy lên lo ngại về những tính toán sai lầm của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Hai đại tướng Nga không nhấc máy
Theo báo Washington Post, trong suốt tháng diễn ra chiến sự ở Ukraine vừa qua, các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự hàng đầu của Mỹ đã liên tục kết nối điện thoại để nói chuyện với những người đồng cấp Nga nhưng mọi cố gắng của họ đều bị Moscow từ chối.
Cụ thể, ngay từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tướng Mark A. Milley đã rất nhiều lần cố gắng thiết lập các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov.
Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm thứ Tư (23/3) cho biết cả hai vị đại tướng này đều không nhấc máy.
Moscow và Washington vẫn duy trì các kênh thông tin nhằm giảm leo thang xung đột nhưng theo một số quan chức Mỹ thì việc đảm bảo liên lạc giữa các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao hơn là rất cần thiết để tránh xảy ra những tính toán sai lầm không mong muốn.
Hoạt động liên lạc không thông suốt còn làm dấy lên lo ngại về kịch bản hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới có thể để xảy ra một tính toán sai lầm lớn nào đó, thậm chí là xung đột trên chiến trường.
“Nguy cơ leo thang là rất cao nếu không duy trì được liên lạc trực tiếp giữa các quan chức cấp cao nhất”, James Stavridis, cựu Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh NATO giai đoạn từ năm 2009 - 2013 cảnh báo.
“Rất nhiều phi công trẻ đang lái máy bay chiến đấu, điều khiển tàu chiến và thực hiện các hoạt động tác chiến ở Ukraine. Họ không phải là những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm nên những hành động của họ trong bối cảnh chiến sự nóng bỏng có thể bị hiểu nhầm”.
James Stavridis nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tránh viễn cảnh NATO và Nga vô tình bị cuốn vào chiến tranh vì các nhà lãnh đạo cấp cao không thể nhấc máy và giải thích cho nhau những gì đang xảy ra”.
Cảnh báo về kịch bản "kinh hoàng"
Việc Nga gần đây phóng tên lửa siêu thanh và các loại vũ khí tinh vi khác nhằm vào nhiều mục tiêu ở miền Tây Ukraine càng làm tăng nguy cơ lan rộng một cuộc đối đầu giữa các bên.
Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cho biết: “Rủi ro hiện nay rõ ràng đang tăng cao. Nga đang tấn công các mục tiêu ở phía tây Ukraine, không xa biên giới các nước thành viên NATO và Không quân Ukraine dường như cũng vẫn tiếp tục hoạt động từ khu vực đó. Nghĩa là, máy bay của họ có thể bị nhầm với máy bay NATO trên khắp tuyến biên giới”.
Theo Sam Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand Corporation thì các cuộc gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Milley, về cơ bản mang mục đích khác chứ không chỉ là kênh giảm leo thang xung đột.
“Thứ nhất là tránh xảy ra xung đột chiến thuật. Nhưng mục đích thứ hai lại mang hàm ý chiến lược. Điều quan trọng là cần phải duy trì liên lạc ở cấp chiến lược để truyền đạt rõ ràng các lợi ích của chúng ta và cũng để hiểu rõ hơn về lợi ích của họ. Khi không có giao tiếp ở cấp độ đó, thì trong trường hợp xấu nhất, các giả định của họ dựa trên việc thiếu hụt thông tin sẽ dẫn đến hành vi nguy hiểm”.
Khi những diễn biến bất lợi của Nga trên chiến trường ngày càng rõ rệt và cuộc xung đột gần bước sang tháng thứ hai thì các quan chức Mỹ lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể leo thang quân sự với hy vọng thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến.
Lúc đó, các vũ khí và chiến thuật nguy hiểm hơn có khả năng được triển khai, nguy cơ xảy ra xung đột sẽ rộng lớn hơn.
Stavridis bày tỏ quan điểm: “Một kịch bản ác mộng sẽ là tên lửa hoặc máy bay Nga tấn công phá hủy một sở chỉ huy của Mỹ trên tuyến biên giới Ba Lan - Ukraine”.
“Nếu tình huống đó xảy ra, chỉ huy tại thực địa có thể phản ứng ngay lập tức vì nghĩ rằng sự vụ là tiền đề cho một cuộc tấn công rộng lớn hơn. Điều này có thể dẫn đến leo thang nhanh chóng và không thể đảo ngược, kể cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân”.