Hai đảng lớn ở Pakistan đạt đột phá, nhất trí 'công thức chung' chia sẻ quyền lực, hé lộ các ứng viên lãnh đạo
Tối 20/2, lãnh đạo hai chính đảng lớn là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) thông báo nhất trí thành lập một chính phủ liên minh ở quốc gia này.
Reuters dẫn lời cựu Thủ tướng Shahbaz Sharif, Chủ tịch PML-N, cho biết, hai đảng đã thống nhất về một "công thức" chia sẻ quyền lực sau khi hội đủ số ghế cần thiết tại Quốc hội để thành lập chính phủ.
Cụ thể, hai bên nhất trí chọn ông Sharif là ứng cử viên chung cho cương vị Thủ tướng, trong khi đồng Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari sẽ là ứng cử viên chung cho vị trí Tổng thống.
Theo ông Sharif, các ứng cử viên độc lập, vốn giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội, đã được mời tham gia thành lập chính phủ nhưng lại không hội đủ số ghế cần thiết. Trong khi đó, nhiều chính đảng khác ủng hộ liên minh PML-N và PPP trong tiến trình thành lập chính phủ.
Ông Sharif cũng cho rằng, chính phủ liên minh mới của Pakistan sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cần phải phối hợp để cùng nhau đưa đất nước vượt qua các cuộc khủng hoảng tiếp diễn hiện nay.
Về phần mình, Chủ tịch PPP Bilawal Bhutto Zardari cho biết, chi tiết về kế hoạch liên minh với PML-N sẽ được thông báo trong vài ngày tới, nhận định rằng, tin tức này sẽ dẫn đến phản hồi tích cực từ các thị trường và mang lại sự ổn định cho đất nước.
Trước đó, Ủy ban bầu cử Pakistan đã thông báo kết quả tổng tuyển cử hôm 9/2 để bầu 265 trong tổng số 266 ghế của Quốc hội nước này nhằm lựa chọn chính phủ mới nhiệm kỳ 5 năm tới.
Theo đó, các ứng cử viên độc lập giành được 101 ghế trên tổng số 265 vị trí, đảng PML-N đứng đầu với 75 ghế, tiếp theo là đảng PPP với 54 ghế.
Với kết quả này, không có chính đảng nào giành được đa số quá bán và buộc phải liên minh để có thể thành lập chính phủ.
Theo quy định của Hiến pháp Pakistan, Tổng thống đương nhiệm Arif Alvi sẽ triệu tập phiên họp Quốc hội trước ngày 29/2 để các nhà lập pháp có thể tuyên thệ nhậm chức. Sau đó, Quốc hội sẽ bầu ra thủ tướng mới.
Quốc gia Nam Á có 241 triệu dân đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chậm và lạm phát kỷ lục cùng tình trạng bạo lực gia tăng. Đây là thách thức lớn nhất đang chờ đón chính phủ liên minh của Pakistan.