Hải đăng soi đường cho tàu ASEAN vượt sóng

Đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN và cam kết phát triển bao trùm, bền vững tiếp tục là kim chỉ nam dẫn dắt Cộng đồng ASEAN. Đây cũng là thông điệp xuyên suốt được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tại AMM 58 và các hội nghị liên quan.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng bộ trưởng các nước thành viên ASEAN sau khi kết thúc phiên toàn thê ngày 9/7̉. (Ảnh: Quang Hòa)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng bộ trưởng các nước thành viên ASEAN sau khi kết thúc phiên toàn thê ngày 9/7̉. (Ảnh: Quang Hòa)

ASEAN đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, là thực tế bao trùm AMM 58. Tuy vậy, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tại AMM 58, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các Bộ trưởng ASEAN và đối tác đã cùng nỗ lực tháo gỡ nút thắt bằng cả lý trí và hành động.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM 58) và các hội nghị liên quan năm nay (diễn ra từ ngày 8-11/7) với chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, tập trung trao đổi về các vấn đề then chốt như xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2025, tăng cường hợp tác với các đối tác đối thoại, thúc đẩy thực hiện các kế hoạch hành động, chiến lược hợp tác giai đoạn mới của ASEAN, trong đó có Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, cũng như thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực nổi bật. Hội nghị thu hút khoảng 1.500 đại biểu từ các nước thành viên ASEAN, các đối tác đối thoại và các tổ chức khu vực, với tổng cộng 24 cuộc họp cấp bộ trưởng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động tại hội nghị, tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, lấy người dân làm trung tâm và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh khu vực biến động nhanh.

Siết chặt vòng tay

Các tiết mục văn hóa tại Lễ khai mạc AMM 58 sôi động, rực rỡ sắc màu, khuấy động không khí Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur. Nhưng ngay sau đó, trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim – Chủ tịch ASEAN 2025 cảnh báo ASEAN đang đối mặt “thời kỳ bất định”, khi “sức mạnh lấn át nguyên tắc, ổn định không còn hiển nhiên”, trật tự toàn cầu rạn nứt, chủ nghĩa đơn phương, cưỡng ép và xung đột gia tăng, đẩy hàng triệu người vào khốn khó. Liệu rằng “con tàu ASEAN” có vì thế mà tròng trành hay không?

Chủ tịch ASEAN 2025 cùng các Bộ trưởng nhất trí cho rằng chìa khóa quan trọng nhất là đoàn kết. ASEAN cần duy trì sự thống nhất và sức mạnh nội khối. “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Có lẽ, dù ở bất cứ giai đoạn nào trên hành trình phát triển, những cốt lõi làm nên thành công của ASEAN - đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau – vẫn còn nguyên giá trị.

Thời gian đã chứng minh, siết chặt vòng tay, ASEAN có thể vượt qua mọi thách thức bủa vây; lá cờ ASEAN với “bó lúa vàng 10 nhánh” tụ hội trên nền xanh thẳm, tung bay trên bầu trời Đông Nam Á, luôn là nguồn cảm hứng, lời nhắc nhở về “mái nhà chung”, nơi người dân ASEAN cùng chung niềm tự hào và gắn bó.

Theo Thủ tướng Anwar Ibrahim, đoàn kết, ASEAN có thể giữ vững lập trường độc lập, không bị cuốn vào các cạnh tranh chiến lược, phát huy vai trò là nền tảng tin cậy cho đối thoại và hợp tác, thúc đẩy hòa bình và phát triển bao trùm trong khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Quang Hòa)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Quang Hòa)

Từ khóa “đoàn kết” cũng được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhiều lần nhấn mạnh trong khuôn khổ AMM 58. Phó Thủ tướng kêu gọi củng cố đoàn kết nội khối và thống nhất lập trường, xử lý linh hoạt nhưng nhất quán các khác biệt, duy trì nguyên tắc đồng thuận và hành động vì lợi ích chung của ASEAN.

Phó Thủ tướng cho rằng chính tinh thần gắn bó trong gia đình, gắn kết trong Cộng đồng và láng giềng gần gũi cùng nền tảng vững chắc của đối thoại, ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, đã làm nên thành công của ASEAN trong nhiều thập kỷ qua. Các thành quả này cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong tiến trình hiện thực hóa những khát vọng phát triển của Hiệp hội.

Sứ mệnh “sao Bắc Đẩu”

ASEAN đã và đang khẳng định vai trò trung tâm, được các đối tác trong và ngoài khu vực tin tưởng, thừa nhận.

Thủ tướng Malaysia ví ASEAN như “sao Bắc Đẩu” giúp định hướng cho khu vực vượt qua những làn sóng địa chính trị ngày càng phức tạp; trong khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn so sánh ASEAN với “ngọn hải đăng hòa bình”, hình mẫu tổ chức khu vực về đối thoại, hợp tác và giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình.

Sự sôi động của các hội nghị cấp Bộ trưởng giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ AMM 58 là minh chứng rõ nét cho “tâm điểm” ASEAN. Bên cạnh việc tham gia tích cực các hội nghị, Việt Nam cũng hòa mình vào sự sôi động này thông qua việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - New Zealand và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Anh, hai nước đối tác Việt Nam đang điều phối trong quan hệ với ASEAN; đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 16 và Hợp tác Mekong - Hàn Quốc lần thứ 13; qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với đối tác, tạo tiền đề cho việc duy trì lập trường chung của ASEAN.

Đặc biệt, Lễ ký kết văn kiện gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) với Algeria và Uruguay đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu và khẳng định vai trò ngày càng tăng của ASEAN trong hệ thống quốc tế.

Việc Algeria và Uruguay chính thức gia nhập TAC là “dấu mốc lịch sử” không chỉ đối với ASEAN mà còn đối với tiến trình củng cố các giá trị toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; không chỉ mở rộng ảnh hưởng của Hiệp hội, mà còn chứng minh tính đúng đắn và sức sống của những giá trị mà ASEAN kiên trì vun đắp. ASEAN chủ trương “hướng ngoại chủ động”, mở rộng quan hệ với các đối tác toàn cầu, góp phần định hình một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tôn trọng lẫn nhau và cùng phát triển.

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

ASEAN, trong giai đoạn phát triển mới đã có những bước đi táo bạo cho tương lai, thể hiện qua lộ trình dài hạn hai thập kỷ - Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, “nói đi đôi với làm”, trong khuôn khổ AMM 58, các Bộ trưởng ASEAN trao đổi nhiệt huyết về những định hướng hợp tác ASEAN thời gian tới với tinh thần khẩn trương đưa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các chiến lược mới vào triển khai; tất cả cơ quan chuyên ngành của ASEAN sớm xác định các ưu tiên, cụ thể hóa các định hướng đề ra trong lĩnh vực của mình, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và gắn kết hài hòa với cách tiếp cận liên ngành, liên trụ cột.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58, ngày 9/7. (Ảnh: Quang Hòa)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58, ngày 9/7. (Ảnh: Quang Hòa)

Với quyết tâm chung đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề xuất ba định hướng trọng tâm cho ASEAN trong thời gian tới.

Một là, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, ASEAN cần tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Cùng với việc đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối và triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được nâng cấp, ASEAN cần rà soát, tận dụng FTA hiện có với các đối tác, mở rộng liên kết kinh tế liên khu vực; ASEAN cần tận dụng thương mại điện tử để khơi thông thương mại nội khối, cũng như mở rộng mạng lưới các thị trường bên ngoài.

Hai là, hướng tới một cộng đồng số hóa hàng đầu, ASEAN cần đẩy nhanh đàm phán Hiệp định khung kinh tế số, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số và hệ sinh thái đổi mới - sáng tạo cần được lồng ghép trong các khuôn khổ hợp tác với đối tác để tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật. Trong vai trò Chủ tịch Nhóm đặc trách Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI), Việt Nam phối hợp với các nước triển khai những nội dung này trong Kế hoạch công tác IAI giai đoạn tiếp theo.

Ba là, để xây dựng cộng đồng thực sự hướng tới người dân, ASEAN cần tăng cường kết nối với người dân. Vai trò của ASEAN không chỉ hiện diện qua các tuyên bố cấp cao mà quan trọng hơn, cần được lan tỏa thông qua các hành động cụ thể và thiết thực. Việt Nam sẽ sớm xây dựng kế hoạch triển khai các văn kiện chiến lược ASEAN 2045 ở cấp quốc gia nhằm đưa ASEAN tới gần hơn với người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Một viên kim cương có giá trị nhờ độ bền ở bên trong và sự hấp dẫn ở bên ngoài. Tin rằng, ASEAN có cả hai; sức mạnh từ nội lực và sức lan tỏa bền bỉ đang khắc họa ngày càng rõ “thương hiệu” ASEAN giữa muôn trùng biến động. Kỳ AMM 58 nhộn nhịp với sự tham gia tích cực, nhiệt huyết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn góp phần làm giàu thêm giá trị và thương hiệu đó của Hiệp hội.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hai-dang-soi-duong-cho-tau-asean-vuot-song-320523.html