Hai điểm sáng trên thị trường chứng khoán và mua bán, sáp nhập châu Á
Người đồng phụ trách ngân hàng toàn cầu của JPMorgan, Filippo Gori, cho rằng Ấn Độ và Nhật Bản là hai điểm sáng trong thị trường chứng khoán và mua bán, sáp nhập (M&A) đang được quan tâm của châu Á.
Theo số liệu của LSEG, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản cũng như chỉ số Nifty 50 của chứng khoán Ấn Độ đã tăng gần 26% trong năm qua.
Trong khi các hoạt động M&A trên toàn cầu giảm trong năm 2023, giá trị các thỏa thuận của Nhật Bản tăng 23% so với năm 2022, lên khoảng 123 tỷ USD, theo báo cáo của Bain & Company. Báo cáo đánh giá kinh tế Nhật Bản có những điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của hoạt động M&A mà không nước nào có được.
Theo các nhà phân tích của Bain & Company, các nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng đi lên của thị trường Ấn Độ, với triển vọng cải thiện trong năm 2024.
Theo báo cáo về các xu hướng M&A tại Ấn Độ của công ty kiểm toán Deloitte, trong năm 2023, giá trị các thỏa thuận M&A tại Ấn Độ đạt 136 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2022, theo xu hướng chung trên toàn cầu. Việc các nhà đầu tư tiếp tục duy trì lòng tin vào thị trường Ấn Độ có thể mở đường cho sự phục hồi giá trị các thỏa thuận tại nước này.
Các nước như Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc+1", khi các nhà đầu tư tìm đến các quốc gia khác trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.
Theo báo cáo của Deloitte, việc các công ty muốn mở rộng sản xuất tại Ấn Độ sẽ thúc đẩy hoạt động M&A ở nước này.
Ông Gori cho rằng, hoạt động M&A có thể được tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), khi lĩnh vực này có thể đóng góp thêm hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Theo công ty kiểm toán PwC, AI có thể đóng góp tới 15.700 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu vào năm 2030.