Hai doanh nghiệp có cơ hội đầu tư Dự án bảo trì phương tiện mặt đất sân bay Long Thành
SAGS và VIAGS đáp ứng năng lực, kinh nghiệm tham dự đấu thầu Dự án xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất, xử lý vệ sinh tàu bay số 1, sân bay Long Thành.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT xin phê duyệt áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước và kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1 - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là dự án có tổng chi phí thực hiện (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền thuê đất) khoảng 145 tỷ đồng.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án là đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là quý IV/2022; loại hợp đồng áp dụng là hợp đồng dự án đầu tư cho thuê đất; thời gian thực hiện hợp đồng là 27 năm kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam phát hành Thông báo mời quan tâm và yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án. Tại thời điểm kết thúc nhận hồ sơ (7/6/2022), bên mời thầu nhận được hồ sơ của 4 nhà đầu tư gồm: Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS); Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS); Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) - đơn vị có vốn góp của Vietnam Airlines; Công ty cổ phần Hàng không Vietjet.
Trên cơ sở kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá chỉ có 2 nhà đầu tư có hồ sơ đăng ký đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm là SAGS và VIAGS.
Trong số 2 nhà đầu tư bị loại, đáng tiếc nhất là trường hợp của Vietjet khi doanh nghiệp này chỉ được chấm có 40/100 điểm tối đa.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Vietjet chưa kê khai và cung cấp tài liệu chứng minh về sự thay đổi trong các số liệu tài chính từ thời điểm có báo cáo kiểm toán đến thời điểm tham dự theo mẫu quy định tại hồ sơ mời quan tâm.
Bên cạnh đó, Vietjet cam kết vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư dành cho dự án là 145 tỷ đồng. Tuy nhiên, không cung cấp tài liệu chứng minh theo quy định của pháp luật về thẩm quyền của người ký cam kết vốn chủ sở hữu. Do vậy, nội dung đánh giá về “Vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư dành cho dự án” của Vietjet là 0 điểm.
Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của Vietjet chưa đề xuất nội dung trực tiếp tổ chức vận hành, quản lý khai thác và cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; vì vậy, chưa có cơ sở đánh giá đáp ứng điều kiện tổ chức vận hành, quản lý khai thác và cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất theo Hồ sơ mời quan tâm.