Hai dự án đường vành đai trọng điểm của Hà Nội, TP HCM đang triển khai thế nào?
Hiện nay các dự án cao tốc đồng loạt triển khai. Nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt ở cả hai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP HCM.
39 mũi thi công dự án Vành đai 4
Theo báo cáo của Bộ GTVT, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, đi qua địa phận thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh; tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 7 dự án thành phần (gồm 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, 3 dự án xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và một dự án đường cao tốc theo phương thức PPP).
Đối với dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) bao gồm 4 gói thầu, đã khởi công toàn bộ 4 gói thầu từ ngày 25/6/2023. Trên hiện trường đang triển khai 32 mũi thi công, hiện đang thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn, triển khai xử lý đất yếu tại các vị trí có mặt bằng sạch; thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các công trình cầu vượt sông, kênh, mương; sản lượng thi công khoảng 375,3/4.691 tỷ đồng (đạt 8% giá trị hợp đồng).
Dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên) gồm 1 gói thầu, đã khởi công từ ngày 22/11/2023. Trên hiện trường đang triển khai 3 mũi thi công, đào nền một số phân đoạn, sản lượng thi công khoảng 5/1.253,6 tỷ đồng (đạt 0,4% giá trị hợp đồng).
Dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) gồm 3 gói thầu, đã khởi công 1/3 gói thầu từ ngày 18/12/2023. Trên hiện trường đang triển khai 4 mũi thi công, chủ yếu thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn và xây dựng đường công vụ, sản lượng thi công khoảng 13/1.253 tỷ đồng (đạt 1,1% giá trị hợp đồng).
Đối với, dự án thành phần 3 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP, chiều dài khoảng 112,8km (Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19,3km, Bắc Ninh 35,3km) sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng, đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 6479/QĐ-UBND ngày 20/12/2023, hiện đang triển khai các bước tiếp theo.
Đề cập đến nguồn vật liệu, các dự án thành phần do thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản cần vật liệu đắp nền khoảng 7,4 triệu m3, trong đó đất đắp khoảng 1,87 triệu m3; cát đắp khoảng 5,53 triệu m3.
Cụ thể: Trên địa bàn Hà Nội có 3 mỏ đất (trữ lượng khoảng 7,1 triệu m3) chưa được duyệt quy hoạch mỏ do nằm trong quy hoạch rừng sản xuất, vì vậy, Hà Nội đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo phương án xử lý.
Về mỏ cát, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 mỏ đang hoạt động khai thác; 6 mỏ cát đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng khoảng 16,37 triệu m3; 11 mỏ cát nằm trong quy hoạch (trữ lượng ước khoảng 22,69 triệu m3); 3 mỏ có giấy phép nhưng không hoạt động.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, về cơ bản, vật liệu cát san lấp, đắp nền trên địa bàn Hà Nội đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện dự án, tuy nhiên, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, cần sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định để sớm đưa vào khai thác phục vụ dự án.
Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua để đẩy nhanh tiến độ di dời các đường điện cao thế, đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để sớm bàn giao mặt bằng thi công xây dựng công trình dự án.
Vành đai 3 TP HCM nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM có chiều dài khoảng 76,34km. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.
Hiện nay, đối với các dự án thành phần (DATP) 1 (TP HCM), DATP 7 (tỉnh Long An) cơ bản triển khai đáp ứng tiến độ, còn lại DATP 3 (tỉnh Đồng Nai), DATP 5 (tỉnh Bình Dương) còn 2 gói thầu chưa lựa chọn xong nhà thầu.
Đối với DATP 1, UBND TP HCM đã khởi công vào ngày 18/6 2023. Các gói thầu xây lắp đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ, đào bóc hữu cơ, đường công vụ và thi công kết cấu phần dưới hạng mục cầu, hầm: cọc khoan nhồi, CDM, sản lượng ước tính khoảng 800 tỷ đồng (11,3% hợp đồng).
DATP 3 chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu 2/3 gói thầu xây lắp chính và triển khai các công tác chuẩn bị, khối lượng thực hiện còn thấp. Còn lại 1 gói thầu lựa chọn nhà thầu trong Quý I/2024.
DATP 5 Chủ đầu tư đã lựa chọn xong nhà thầu thi công và khởi công 3/4 gói thầu, hiện nhà thầu đang tập kết thiết bị, nhân lực, phòng thí nghiệm, vật liệu đầu vào, lập bản vẽ thi công và thi công một số vị trí vét hữu cơ, cống hộp, hầm chui, cọc khoan nhồi. Sản lượng ước tính đạt khoảng 356 tỷ đồng. Còn lại 1 gói thầu nút giao Tân Vạn khởi công trong tháng 2/2024.
DATP 7 đã tổ chức lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu xây lắp XL1, XL2 và XL3. Hiện 3 gói thầu đã tập kết thiết bị, nhân lực, vật liệu và đang triển khai thi công một số hạng mục nền đường, cọc khoan nhồi, sản lượng ước tính đạt khoảng 364 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ các Chủ đầu tư dự án thành phần bước thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 9,2 triệu m3.
Hiện nay, TP HCM đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án, đến nay đã khảo sát nguồn vật liệu đáp ứng khoảng 5,8/9,2 triệu m3 cát đắp nền.
Phía Bộ GTVT cho hay, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để giải quyết, đồng thời nghiên cứu sử dụng nguồn vật liệu thay thế. Tuy nhiên, hiện nay các dự án cao tốc đồng loạt triển khai do đó nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt.