Hai đức tính nào cần nhất cho thời đại này?

Yếu tố nào quyết định việc một số người với IQ cao ngất ngưởng chẳng đạt được thành tựu gì đáng kể?

Tại sao phải nghiên cứu xúc cảm?

Bên cạnh những thứ tiêu cực, chúng ta còn được chứng kiến sự bùng nổ của một loạt nghiên cứu khoa học về xúc cảm. Ấn tượng nhất là công nghệ hình ảnh tiên tiến, cho phép con người thấy được cách thức hoạt động của não bộ. Lần đầu tiên, chúng ta giải mã được điều vô cùng bí ẩn trước kia: khối tế bào tinh vi này hoạt động như thế nào khi con người suy nghĩ, cảm nhận, tưởng tượng hay mơ.

Những dữ liệu sinh học thần kinh phong phú cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn bao giờ hết cách các trung khu xúc cảm trong não bộ xúi giục con người nổi cơn thịnh nộ hoặc rơi nước mắt, thù nghịch hoặc yêu thương, hay thay đổi theo chiều hướng thiện hoặc sa ngã.

 Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Tôi đã mất khá nhiều thời gian để thu thập đủ cơ sở khoa học cho cuốn sách này. Nguyên nhân một phần do vị thế sụt giảm của các nghiên cứu về xúc cảm trong đời sống tinh thần, khiến nó trở thành một “địa hạt” chưa hề được khai phá đúng mực.

Khoảng trống này lại được khỏa lấp một cách vội vã bằng những bộ sách tự trợ (self-help), thứ thường đưa ra lời khuyên dựa trên lối tư duy thực hành song thiếu cơ sở khoa học. Nhưng giờ đây, khoa học đã có thể lên tiếng với thẩm quyền giải quyết các vấn đề phức tạp và cấp bách, cho dù ở khía cạnh phi lý nhất trong tâm lý con người.

Đó là sự thách thức với những ai còn ôm giữ cái nhìn hạn hẹp về trí thông minh, ngộ nhận IQ mang tính di truyền nên không thể cải thiện nhờ tích lũy kinh nghiệm sống và số phận mỗi cá nhân hầu hết đều đã được an bài bởi định mệnh. Quan điểm này đã bỏ sót một câu hỏi hóc búa: Điều gì mà chúng ta cần thay đổi để thế hệ sau có được cuộc sống tốt đẹp hơn? Yếu tố nào quyết định việc một số người với IQ cao ngất ngưởng chẳng đạt được thành tựu gì đáng kể, trong khi kẻ khác có IQ khiêm tốn hơn lại thành công rực rỡ?

Sự khác biệt, theo tôi nằm ở trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence), bao gồm một tập hợp các kỹ năng như tự chủ, nhiệt huyết, nhẫn nại, thúc đẩy bản thân... mà chúng ta hoàn toàn có thể dạy cho con trẻ để chúng khai thác tiềm năng trí tuệ của mình tốt hơn thay vì chỉ trông chờ số phận.

Đi kèm với đó là những đòi hỏi luân lý cấp bách. Kết cấu xã hội của chúng ta đang ngày càng lỏng lẻo bởi thói ích kỷ, bạo lực, vô cảm lên ngôi và gặm nhấm sự tử tế. Điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt nằm ở mối liên hệ giữa tình cảm, nhân cách và đạo đức.

Nhiều bằng chứng cho thấy nền tảng đạo đức bắt nguồn từ năng lực xúc cảm. Những ai thiếu tự chủ hoặc phó mặc bản thân cho xung lực xúc cảm chi phối (tức bốc đồng) cũng thường dễ là người khiếm khuyết về mặt đạo đức. Trong khi gốc rễ của lòng vị tha lại nằm ở khả năng đồng cảm hay thấu hiểu xúc cảm của người khác. Sẽ chẳng có sự quan tâm nếu chúng ta thiếu đi ý thức về nỗi khổ đau mà người xung quanh đang chịu đựng. Hai đức tính mà thời đại này cần nhất chính là sự tiết chế và lòng trắc ẩn.

Daiel Goleman/Alpha Books-NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/hai-duc-tinh-nao-can-nhat-cho-thoi-dai-nay-post1527770.html