Hải Dương có nhiều lợi thế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng Hải Dương đang có nhiều lợi thế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 7/8, Đoàn khảo sát của Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Hải Dương về việc triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì tiếp đoàn. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành liên quan, lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng thông tin tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh với đoàn công tác. Hải Dương xác định rõ xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu việc làm là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Tỉnh cũng đang xây dựng cơ chế hỗ trợ học phí cho người học nghề tại Hải Dương…

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đạt được một số kết quả nhất định. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở đào tạo từng bước được nâng cao về chuyên môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được quan tâm đầu tư; chương trình đào tạo luôn được đổi mới, phù hợp với nhu cầu người học cũng như nhu cầu của chủ sử dụng lao động. Lao động qua đào tạo tăng nhanh, đến năm 2023 đạt 32,5% số người qua đào tạo được cấp chứng chỉ (tăng khoảng 14% so với năm 2014). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp…

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Tuy nhiên hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chưa tương xứng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh nỗ lực của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW.

Nhân dịp này, đại diện các trường cao đẳng, trung cấp nêu thực trạng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực tay nghề cao. Hầu hết các trường đều thiếu nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy; khó tuyển dụng giáo viên chất lượng cao; việc tuyển sinh hệ cao đẳng chưa đủ chỉ tiêu. Công tác phân luồng đào tạo còn nhiều vướng mắc, các trường kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi quy định đối với đối tượng đào tạo theo hệ 9+…

Đoàn khảo sát làm việc tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương

Đoàn khảo sát làm việc tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt là các trường nghề ở Hải Dương trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW. Qua nắm bắt thông tin, đồng chí cho rằng Hải Dương đang có nhiều lợi thế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng - một trong những vùng có nhu cầu nguồn nhân lực đứng đầu cả nước, có nhiều khu công nghiệp phát triển, hạ tầng giao thông thuận lợi, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dân số đông, mặt bằng dân trí khá cao. Đặc biệt, tỉnh luôn dành nguồn đầu tư thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đồng chí Thứ trưởng gợi ý, Hải Dương cần nắm bắt các điều kiện để định hướng đúng và trúng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Căn cứ vào cách lựa chọn tương lai của học sinh sau tốt nghiệp THPT để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Bên cạnh vai trò quản lý nhà nước của ngành lao động, ngành giáo dục cùng chia sẻ, hỗ trợ tối đa với các trường.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng mong rằng thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiếp tục quan tâm lĩnh vực này. Tạo điều kiện để các ngành liên quan rà soát nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn, tạo tiền đề cho các trường ký kết chương trình hợp tác cung ứng nguồn nhân lực.

Đoàn khảo sát làm việc tại Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương

Đoàn khảo sát làm việc tại Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương

Sáng cùng ngày, đoàn khảo sát tham quan, tìm hiểu tại Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương.

Hải Dương hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 18 cơ sở đang hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 8 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 1 doanh nghiệp). Bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo khoảng 38.000 học sinh, sinh viên.

THANH NGA - TUẤN ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-co-nhieu-loi-the-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-389663.html