Hải Dương công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040
Về định hướng phát triển không gian tổng thể, thành phố Hải Dương phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu, lấy dòng sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính.
Ngày 11/4, Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương xác định mục tiêu: “Xây dựng thành phố Hải Dương hướng tới một đô thị xanh, thông minh; hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại”.
Theo đó, cấu trúc phát triển thành phố Hải Dương có 4 vùng. Cụ thể, vùng đô thị trung tâm là vùng đô thị hiện hữu gắn với chức năng trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp của thành phố Hải Dương; khu vực có giá trị văn hóa lịch sử cần bảo tồn và phát huy văn hóa con người xứ Đông.
Vùng phía Nam gắn với các chức năng trung tâm y tế, giáo dục thể dục thể thao cấp vùng, dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí. Vùng phía Đông là vùng đô thị sinh thái gắn với trung tâm văn hóa, triển lãm mới, không gian phát triển du lịch và nông nghiệp chất lượng cao.
Vùng phía Bắc là khu vực ngoại thị gắn với các chức năng dịch vụ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, khu vực kết nối không gian với khu vực huyện Nam Sách.
Về định hướng phát triển không gian tổng thể, thành phố Hải Dương phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu, lấy dòng sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính của thành phố, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2 của thành phố, vành đai 5 vùng thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm.
Không gian sông Thái Bình và sông Sặt là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông; tổ chức các cầu mới qua sông đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, phát huy giá trị cảnh quan.
Thành phố phát triển theo 6 phân khu. Khu 1 là khu trung tâm đô thị hiện hữu thuộc một phần các phường Việt Hòa, Tứ Minh, Thanh Bình, Tân Bình, Cẩm Thượng, Phạm Ngũ Lão, Bình Hàn, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nhị Châu, Ngọc Châu và Hải Tân.
Khu 2 là không gian sông Thái Bình thuộc một phần các xã, phường Việt Hòa, Cẩm Thượng, Bình Hàn, Nhị Châu, Ngọc Châu, Hải Tân, Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Nam Đồng và An Thượng.
Khu 3 là khu đô thị văn hóa, thể thao, giáo dục và y tế mới phía Tây Nam thuộc một phần các phường, xã Thạch Khôi, Liên Hồng và Gia Xuyên.
Khu 4 là khu đô thị xanh, thông minh phía Nam thuộc một phần các phường, xã Lê Thanh Nghị, Hải Tân, Tân Hưng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn.
Khu số 5 là khu đô thị mới sinh thái phía Đông thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, Quyết Thắng và Tiền Tiến.
Khu số 6 là khu vực phát triển đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, An Thượng, Ái Quốc.
Quy mô dân số toàn thành phố Hải Dương đến năm 2030 là khoảng 485.000 người và đến năm 2040 khoảng 668.500 người. Đến năm 2040, thành phố sẽ thành lập thêm 2 phường nội thị là Liên Hồng và Quyết Thắng, diện tích nội thị khoảng 8.400 ha và ngoại thị khoảng 2.700 ha.
Về định hướng khu, cụm công nghiệp, thành phố Hải Dương sẽ quy hoạch mới 3 cụm công nghiệp: Tây Việt Hòa, Tiền Tiến và Đại Sơn – Ngọc Sơn. Di chuyển cụm công nghiệp Cẩm Thượng và Ngô Quyền ra khỏi trung tâm thành phố.
Về giao thông, thành phố Hải Dương sẽ xây dựng thêm 7 cây cầu mới; trong đó, 4 cầu mới qua sông Thái Bình và 3 cầu mới qua sông Sặt nối khu vực trung tâm hiện hữu với khu vực phía Đông và phía Bắc. Đồng thời, xây dựng mới 15 nút giao thông khác mức giữa các tuyến đường bộ đối ngoại và giữa đường bộ đối ngoại với hệ thống đường sắt.
Từ nay đến năm 2030, thành phố Hải Dương ưu tiên hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; hệ thống hạ tầng khung đô thị; điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng; Đề án di dời trụ sở một số cơ quan, ban, ngành. Đồng thời, cải tạo chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu, phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối đô thị như hoàn thiện tuyến đường vành đai 1, đường trục chính Bắc Nam phía Nam cầu Lộ Cương, kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải hòng.
Thành phố cũng sẽ phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven sông Thái Bình và sông Sặt, hoàn thiện các tuyến đường ven sông, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven sông; mở rộng đô thị về phía Đông (Nam Đồng – Quyết Thắng), phía Nam (Liên Hồng – Thạch Khôi) và mở rộng kết nối về phía Bắc với huyện Nam Sách. Cùng đó, đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng mở rộng các cụm công nghiệp, xây dựng trung tâm logistic – dịch vụ hậu cần kho bãi trung chuyển hàng hóa.
Tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị thành phố Hải Dương khẩn trương rà soát các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, xem xét khả năng cân đối nguồn vốn dành cho công tác lập quy hoạch, các quy định về quản lý quy hoạch và yêu cầu thực tiễn trong quản lý, chỉnh trang đô thị để triển khai lập Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; ưu tiên bố trí triển khai trước đối với các khu vực trọng điểm phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành theo chức năng chủ động phối hợp, hỗ trợ thành phố Hải Dương triển khai thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư để thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch.
Người đứng đầu tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp căn cứ vào Quy hoạch thành phố đã được duyệt để nghiên cứu, xem xét đầu tư hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Hải Dương, các sở, ngành phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai điều chỉnh chương trình phát triển đô thị, lập khu vực phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị; lập và ban hành quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hải Dương.
Đồng thời rà soát, lập mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch phân khu, lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị theo quy định pháp luật, tuân thủ chỉ tiêu quy mô dân số, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch theo Quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Khi nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư tại khu vực ven sông, các đơn vị phải đảm bảo tuân thủ các quy định Luật Đê điều, phù hợp Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ động dành không gian cho phát triển tương lai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn lưu ý, trong trường hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt đối với đất, cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, phải đảm bảo thận trọng, chặt chẽ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với chương trình phát triển đô thị, nhà ở của thành phố.
Đối với chủ trương di dời các cơ quan, nhà máy trong khu vực đô thị trung tâm, cần xem xét lộ trình, đảm bảo lợi ích của nhà nước và chủ đầu tư. Khi chuyển đổi các quỹ đất trên phải ưu tiên bổ sung đất cây xanh, các công trình công cộng, văn hóa, thể dục thể thao cho các khu vực còn thiếu…/.