Hải Dương - điển hình thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Bài cuối: Đích đến không xa

Những năm tới, Hải Dương phấn đấu nâng tỷ lệ thực hiện mô hình bí thư chi bộ (BTCB) đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư (KDC) và tìm cách bảo đảm sự bền vững, hiệu quả của mô hình.

>>> Hải Dương - điển hình thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư

Rút ngắn thời gian giữa bầu trưởng thôn, khu dân cư với đại hội chi bộ là cách làm hiệu quả trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Trong ảnh: Các đảng viên dự đại hội chi bộ bỏ phiếu bầu Bí thư Chi bộ khu dân cư Trụ Thượng, phường Đồng Lạc (Chí Linh). Ảnh: CTV

Rút ngắn thời gian giữa bầu trưởng thôn, khu dân cư với đại hội chi bộ là cách làm hiệu quả trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Trong ảnh: Các đảng viên dự đại hội chi bộ bỏ phiếu bầu Bí thư Chi bộ khu dân cư Trụ Thượng, phường Đồng Lạc (Chí Linh). Ảnh: CTV

Thuận và khó ở chặng cuối

Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản số BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC. Đích đến để thực hiện mục tiêu nêu trên không còn xa. Quá trình thực hiện mục tiêu có thuận lợi là gần 95% số thôn, KDC đã có BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC. Qua tiến độ tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở thời gian gần đây tại các địa phương cũng cho thấy hầu hết các nơi đã thực hiện được mô hình. Cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo bố trí nhân sự đảm nhiệm “2 vai”. Đại đa số cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nền tảng vững, rút được nhiều kinh nghiệm trong thực hiện mô hình. Hầu hết những BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC đang làm tốt vai trò, trách nhiệm. Đó là những thuận lợi chính.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là về nhân sự.

Trong nhiệm kỳ 2020-2022, Kim Thành là huyện có tỷ lệ số thôn, KDC thực hiện mô hình thấp nhất tỉnh, còn 18 thôn chưa thực hiện được, chiếm 20%. Để thực hiện mục tiêu “nhất thể hóa”, đòi hỏi sự cố gắng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bà Võ Thị Thư, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Thành cho biết thực hiện mô hình có khó khăn là đảng viên ở các chi bộ nông thôn hầu hết đã cao tuổi, sức khỏe hạn chế, khó bố trí nhân sự; tìm được nhân sự cùng lúc đảm nhiệm “2 vai” rất ít; chế độ phụ cấp còn bất cập. Trong nhiệm kỳ 2022-2025, huyện tích cực chỉ đạo, thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện mô hình. Đến ngày 5.9, tất cả 37 chi bộ thôn, KDC đã tổ chức đại hội đều có trưởng thôn, KDC trúng cử BTCB.

Ngoài Kim Thành, tình trạng thiếu đảng viên không cao tuổi để đảm nhiệm BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC cũng diễn ra ở nhiều nơi khác. Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, độ tuổi nhân sự được giới thiệu ứng cử chức danh BTCB (kể cả các đồng chí tham gia lần đầu và các đồng chí tái cử) nói chung không quá 65 tuổi tính đến thời điểm tổ chức đại hội chi bộ. Trường hợp đặc biệt, ở những nơi có khó khăn về nhân sự thì độ tuổi có thể cao hơn và cấp ủy cơ sở phải báo cáo xin ý kiến của thường trực cấp ủy cấp huyện trước khi chỉ đạo thực hiện. Do thiếu nhân sự dưới 65 tuổi nên nhiều xã, phường, thị trấn phải bố trí nhân sự trên 65 tuổi, ảnh hưởng tới chất lượng nhân sự, khó bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép.

Thời gian qua, vẫn còn một số thôn, KDC chi bộ giới thiệu đảng viên để bầu trưởng thôn nhưng không trúng cử. Người trúng cử trưởng thôn là quần chúng nên không bố trí được mô hình BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC. Nguyên nhân của tình trạng này do đảng viên được giới thiệu bầu trưởng thôn nhưng không có uy tín, tiêu biểu; tình trạng cục bộ dòng họ trong bầu cử… Tại huyện Thanh Hà, trong nhiệm kỳ trước, cả 2 thôn ở xã Tân An đều chưa thực hiện được mô hình. Ở xã Thanh Thủy, từ nhiều năm nay, thôn Khánh Mậu cũng chưa “nhất thể hóa” do giới thiệu đảng viên để bầu trưởng thôn nhưng không trúng cử, đồng chí trưởng thôn hiện nay là quần chúng.

Nhiều trưởng thôn, KDC phản ánh mặc dù mức phụ cấp cho người đồng thời giữ 2 chức đã được nâng lên song nhìn chung vẫn còn bất cập so với nhiệm vụ, công sức bỏ ra. Mức phụ cấp của trưởng KDC chỉ bằng trưởng thôn ở thôn có quy mô dưới 350 hộ chưa phù hợp.

Cách làm để mô hình bền vững

Thời gian tới, các địa phương cần làm gì để đạt mục tiêu và quan trọng hơn nữa là để duy trì mô hình thực sự bền vững, hiệu quả?

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổng kết Đề án 01, trong đó có mô hình BTCB đồng thời là trưởng thôn, KDC. Thời gian tới, trên cơ sở kết quả, hiệu quả đạt được, đề nghị cấp ủy các cấp trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để đạt mục tiêu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra. Trong tổ chức thực hiện, cần phát huy kinh nghiệm của các địa phương đã làm tốt là rút ngắn thời gian giữa kỳ bầu trưởng thôn, KDC với đại hội chi bộ; tổ chức giới thiệu đảng viên ưu tú để bầu trưởng thôn, KDC trước, sau đó mới giới thiệu trưởng thôn, KDC để bầu BTCB.

Các địa phương chưa thực hiện được mô hình cần sớm lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng kế hoạch cụ thể; tổ chức thực hiện quyết liệt. Cấp ủy các cấp cần kịp thời nắm bắt tình hình thực tế để chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn; kiểm điểm, làm rõ, xem xét trách nhiệm với những nơi chưa thực hiện được do nguyên nhân chủ quan.

Khâu then chốt để thực hiện tốt mô hình này là bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn nhân sự. Biện pháp bền vững, hiệu quả ở một số địa phương là làm tốt công tác bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để kết nạp đảng viên, tạo được nguồn đảng viên trẻ có chất lượng, số lượng hợp lý. Từ đội ngũ đảng viên trong chi bộ, cấp ủy cần bồi dưỡng, phát hiện để giới thiệu những người tiêu biểu nhất bầu trưởng thôn, KDC, định hướng sau này làm BTCB. Những đảng viên này cũng cần thể hiện được mình, được kiểm nghiệm năng lực, đạo đức trong thực tế, có uy tín với nhân dân thì nhân dân mới tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, KDC.

Để mô hình bảo đảm tính bền vững, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Đồng Dũng Mạnh đề xuất cơ quan chức năng cần tiêu chuẩn hóa các chức danh để bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Đồng chí Vũ Văn Cấp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc cũng cho rằng việc tiêu chuẩn hóa chức danh BTCB, trưởng thôn, KDC rất cần thiết vì đội ngũ này có vai trò quan trọng ở cơ sở, làm nhiều việc, đòi hỏi am hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật. Việc tiêu chuẩn hóa cần gắn với việc bảo đảm mức thu nhập tương xứng với vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của đội ngũ này. Ngoài ra, cấp có thẩm quyền nên nghiên cứu quy định luân chuyển cán bộ cấp xã với thôn, KDC và ngược lại; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng BTCB, trưởng thôn, KDC để đội ngũ này trưởng thành, đáp ứng tốt nhiệm vụ.

Nhằm kịp thời động viên, giúp các BTCB, trưởng thôn, KDC hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, toàn tâm toàn ý cho công việc, nhiều người đề nghị cần tiếp tục nâng mức phụ cấp, có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Là BTCB, trưởng thôn duy nhất trong tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng khi tổng kết Đề án 01, ông Nguyễn Đức Hanh, BTCB, Trưởng thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đề nghị ngoài nâng phụ cấp, cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm cho người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia công tác tại thôn, KDC được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, bên cạnh những ưu điểm của mô hình, một số ý kiến lo ngại rằng nếu không giám sát, kiểm tra tốt thì những BTCB, trưởng thôn, KDC được tập trung nhiều quyền lực có thể dẫn tới độc đoán, chuyên quyền. Đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi một cơ chế kiểm soát hiệu quả từ phía cấp ủy, chi bộ, các đoàn thể và quần chúng nhân dân.

NINH TUÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cong-tac-can-bo/hai-duong---dien-hinh-thuc-hien-bi-thu-chi-bo-dong-thoi-la-truong-thon-khu-dan-cu-bai-cuoi-dich-den--214019