Hải Dương: Đoàn kết tạo sức mạnh khắc phục hậu quả bão số 3

Siêu bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó có Hải Dương. Ngay từ khi có dự báo, tỉnh này đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống. Cơn bão qua đi, toàn tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng khắc phục thiệt hại.

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân

Với tinh thần tập trung bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trên địa bàn, tỉnh Hải Dương đã kịp thời vận động và hỗ trợ di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ. Cụ thể, TP.Hải Dương có 926 người đang sinh sống tại khu thuyền bè, khu tập thể đã xuống cấp, khu nhà ở nguy hiểm, mất an toàn. Để tránh bão, 861 người đã di chuyển đến nhà người thân; 132 người được chính quyền các địa phương bố trí chỗ ở tạm khi di dời.

Cơ quan chức năng cũng đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong những ngày di dời để tránh bão. Chính quyền địa phương cũng cắt cử lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ ứng trực để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản ở nơi ở và nơi đến tạm tránh bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu thăm hỏi người dân tại khu tránh bão. Ảnh: Báo Hải Dương

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu thăm hỏi người dân tại khu tránh bão. Ảnh: Báo Hải Dương

Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn và nguy cơ ngập lụt ở nhiều địa phương trũng, thấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trước diễn biến mực nước trên các sông vẫn cao trên mức báo động 3, các lực lượng chức năng của tỉnh này và chính quyền các địa phương tiếp tục khẩn trương di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, ngày 10/9, huyện Nam Sách đã khẩn trương di dời hơn 800 hộ dân ở thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát vào nơi tạm lánh an toàn. Trong ngày 11/9, các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang hoàn thành di dời hàng nghìn người dân sống ngoài đê sông Luộc về nơi an toàn. Gần 300 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội huyện, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 3 hỗ trợ di dời người dân sơ tán về các nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã, các trường học ở địa phương. Việc bố trí nơi sơ tán, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân được bảo đảm.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ, Công an tỉnh Hải Dương đã phát lệnh trực 100% quân số, bám sát địa bàn, triển khai phương châm “5 rõ, 3 trước, 4 tại chỗ” với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Tính đến ngày 11/9, Công an tỉnh đã huy động 2.600 cán bộ, chiến sĩ trực cùng hơn 10.000 đơn vị phương tiện tích cực hỗ trợ người dân phòng, chống bão, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Các đoàn công tác của Ban Giám đốc đã trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão, lũ.

Lực lượng công an di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Lực lượng công an di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Gương mẫu, đi đầu trong ứng phó, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa, lũ, thiên tai, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động các phương án ứng phó với bão. Trong đó tập trung tuyên truyền, cảnh báo nhân dân về tình hình mưa lũ; phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập sâu, sạt lở đất… gây mất an toàn; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.

Không quản ngày đêm dầm mình trong mưa, tính đến ngày 13/9, lực lượng Công an toàn tỉnh Hải Dương đã phối hợp, hỗ trợ di dời trên 3.500 hộ dân với khoảng 8.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong bão lũ đã có những câu chuyện cảm động, đầy tình người của các cán bộ, chiến sĩ công an như: Kịp thời rà soát, tìm kiếm những người mất liên lạc do bão lũ; đưa sản phụ bị vỡ ối non đi cấp cứu kịp thời ngay thời điểm cơn bão số 3 hoạt động mạnh nhất; giải cứu người dân trong ngôi nhà bị đổ sập; cứu cháu bé 4 tuổi bị đuối nước trong khi đi tuần đê…

Đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Nổi bật trong công tác hỗ trợ nhân dân di dời là màu áo xanh bộ đội Cụ Hồ, công an, màu áo xanh thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác cùng chung sức vận chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Những gia đình ở nơi nguy hiểm đều đã được chuyển đến nơi an toàn, cùng với tài sản, vật nuôi. Nhiều chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ… bàn tay đã đỏ rát vì chằng léo, di chuyển tài sản giúp dân, đã có người bị thương nhẹ. Nhiều suất cơm, quà của các lực lượng tình nguyện được gửi đến những bà con di dời, đến lực lượng trực chốt, làm nhiệm vụ.

Bảo vệ nghiêm ngặt từng mét đê

Hải Dương có hơn 370 km đê với 267 điếm canh đê. Sau nhiều năm, các sông khu vực Hải Dương mới có đợt lũ vượt mức báo động III. Trong đó, các sông Thái Bình, Kinh Thầy, sông Rạng có đỉnh lũ cao nhất trong 28 năm qua. Để bảo đảm an toàn đê điều, các lực lượng trong tỉnh đã ngày đêm canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt từng mét đê.

Lực lượng tuần tra, canh gác đê tại Hải Dương luôn nâng cao cảnh giác để bảo vệ nghiêm ngặt từng mét đê. Ảnh: Báo Hải Dương

Lực lượng tuần tra, canh gác đê tại Hải Dương luôn nâng cao cảnh giác để bảo vệ nghiêm ngặt từng mét đê. Ảnh: Báo Hải Dương

Từ khi mực nước sông đạt mức báo động I, 235 đội xung kích phòng chống thiên tai với hơn 28.000 thành viên của các địa phương trong tỉnh được kích hoạt, sẵn sàng nhiệm vụ hộ đê. Khi lũ đạt báo động III thì lực lượng tuần tra, canh gác được huy động tối đa, ngày đêm làm nhiệm vụ, cảnh giác cao độ từng phút, từng giây với mục tiêu bảo đảm an toàn các tuyến đê.

Xã Thanh Quang (Nam Sách) có hơn 2,2 km đê hữu sông Kinh Thầy với 2 điếm canh đê và 2 cống lớn qua đê. Từ khi nước sông đạt mức báo động I vào ngày 9/9 vừa qua, địa phương đã cắt cử lực lượng canh giữ, trông nom tuyến đê. Sáng 11/9, lũ lên báo động III, ngay lập tức 150 người thuộc đội xung kích ứng trực bảo vệ đê của xã được huy động, sẵn sàng kiểm tra, bảo vệ đê ở mức cao nhất. Lực lượng trực chia làm 4 kíp thay phiên tuần tra liên tục, cứ kíp này về thì kịp khác lại lên đường. Mọi người kiểm tra tỉ mỉ, kỹ từng mét đê để tìm mạch đùn, mạch sủi.

Lực lượng ứng trực trên các tuyến đê tại Hải Dương không chỉ có nam giới mà các chị em cũng hăng hái, xung phong nhận nhiệm vụ. Ngoài lực lượng nằm trong các đội xung kích của địa phương tham gia xử lý sự cố đê điều, có nhiều người dân hăng hái, xung phong hỗ trợ đóng bao tải cát, đóng cọc tre, vận chuyển bao tải cát đắp đê với mong muốn góp công sức, sớm khắc phục sự cố để bảo đảm an toàn.

Người dân xã Gia Lương (Gia Lộc) khắc phục sự cố phát sinh vào sáng 11/9 trên kênh nhánh hệ thống Bắc Hưng Hải. Ảnh: Báo Hải Dương

Người dân xã Gia Lương (Gia Lộc) khắc phục sự cố phát sinh vào sáng 11/9 trên kênh nhánh hệ thống Bắc Hưng Hải. Ảnh: Báo Hải Dương

Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, lúc 11 giờ ngày 11/9 mực nước trên hệ thống tại Bá Thủy đạt 3m, cống Tranh đạt 3,45m, cầu Cất đạt 3,08m, đều vượt cao so với mức thiết kế tiêu. Nước dâng cao trên hệ thống gây ra 72 sự cố bờ kênh tính đến 11 giờ ngày 11/9, nguy cơ tràn cục bộ rất cao. Trong đó, huyện Thanh Miện phát sinh 28 sự cố, Bình Giang có 12 sự cố, Gia Lộc có 11 sự cố, Cẩm Giàng có 8 sự cố, Tứ Kỳ có 7 sự cố, TP.Hải Dương 4 sự cố, Ninh Giang 2 sự cố.

Để khẩn trương khắc phục sự cố, các địa phương đã huy động lực lượng, tiến hành đắp đất, bao tải cát nâng cao bờ kênh, ngăn chặn nước tràn vào phía trong kênh. Đồng thời phân công, bố trí lực lượng kiểm tra, canh gác tại khu vực có nguy cơ tràn cục bộ, chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư xử lý tình huống ngay từ giờ đầu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, nhờ lực lượng tuần tra và canh gác, đến tối 12/9 toàn tỉnh đã xử lý kịp thời 92 sự cố đê điều, bảo đảm an toàn hệ thống đê trước lũ lớn.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão

Theo thông tin được đăng tải trên Báo Hải Dương, ước tính sơ bộ bão số 3 đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh này khoảng 21.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả; 15.000 công trình, cơ sở hạ tầng bị sập, tốc mái, hư hỏng; 70.000 cây xanh bị gãy đổ; tổng thiệt hại ước tính trên 500 tỷ đồng. Trước những hậu quả nặng nề của bão số 3, các cấp chính quyền, lực lượng công an, quân đội, địa phương, đơn vị, ban ngành, đoàn thể và nhân dân đã chung sức, đồng lòng cùng nhau khắc phục.

Đến ngày 10/9, gần 8.000 lượt đoàn viên thanh niên Hải Dương đã tình nguyện tham gia chung tay cùng nhân dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, các thanh niên tham gia hỗ trợ trường học, công sở cắt tỉa cành cây, dọn dẹp sau bão, sửa lại mái tôn hỏng, vận chuyển đồ đạc.

Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, lực lượng thanh niên Hải Dương tham gia hỗ trợ trường học, công sở cắt tỉa cành cây, dọn dẹp sau bão. Ảnh: Báo Hải Dương

Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, lực lượng thanh niên Hải Dương tham gia hỗ trợ trường học, công sở cắt tỉa cành cây, dọn dẹp sau bão. Ảnh: Báo Hải Dương

Tổ chức Đoàn tại nhiều địa phương đã chung tay kêu gọi tiêu thụ nông sản giúp bà con. Trong đó, Huyện đoàn Thanh Miện hỗ trợ tiêu thụ gần 6 tấn dưa lưới của thanh niên khởi nghiệp ở xã Tứ Cường. Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương phối hợp với Tỉnh đoàn hỗ trợ tiêu thụ cá lồng trên sông cho bà con nông dân ở huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà. Chỉ trong 2 ngày 11-12/9, chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 40 tấn cá và vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Chung tay hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau bão, Văn phòng đại diện Đồng bằng sông Hồng (Tạp chí Kinh tế Môi trường) tại Hải Dương cũng trực tiếp đi trao tặng nhu yếu phẩm tới hàng trăm hộ dân đang bị cô lập do ngập lụt trên địa bàn huyện Nam Sách.

Trưởng Đại diện Văn phòng Đồng bằng sông Hồng, Tạp chí Kinh tế Môi trường trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ ở Hải Dương.

Trưởng Đại diện Văn phòng Đồng bằng sông Hồng, Tạp chí Kinh tế Môi trường trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ ở Hải Dương.

Những ngày qua, lực lượng vũ trang, công an tỉnh Hải Dương và các đơn vị của Quân khu 3 đã không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy giúp người dân địa phương khắc phục hậu quả bão lũ. Với phương châm “cứu người trước, tài sản sau” quyết không để người dân không có nhà ở, bị đói, bị rét, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp tu sửa hàng chục nhà dân, trường học và các công trình công cộng bị tốc mái, đổ tường, ứng cứu hàng chục hecta hoa màu của người dân bị ngập úng.

Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12, Lữ đoàn 490 (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị thuộc Quân khu 3 gồm: Trường Quân sự Quân khu 3, Trung đoàn Bộ Binh 2, Sư đoàn 395, Lữ đoàn Công binh 513, Lữ đoàn Phòng không 214, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 405, Lữ đoàn Pháo binh 454 đã được tăng cường hỗ trợ Hải Dương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

Do các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng do bão số 3 nên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương chỉ đạo phát huy vai trò lực lượng tại chỗ, nhất là dân quân tự vệ các xã, phường, thị trấn phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia khắc phục hậu quả ở địa phương.

Các lực lượng cùng nhau dọn dẹp cây đổ trên đường do ảnh hưởng của bão.

Các lực lượng cùng nhau dọn dẹp cây đổ trên đường do ảnh hưởng của bão.

Khi bão số 3 đi qua, hình ảnh đong đầy cảm xúc đọng lại trong nhiều người là những người lính bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ công an nhân dân, những thanh niên tình nguyện… dầm mình dưới mưa, kịp thời có mặt ở những tuyến đường, trường học, vùng sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, thông đường, khắc phục hậu quả do thiên tai để lại.

Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các lực lượng, thiệt hại do bão số 3 gây ra đã được giảm đi. Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch có cây xanh gãy, đổ đã được thu dọn, cắt tỉa kịp thời, bảo đảm giao thông thông suốt. Nhiều trường sớm cho học sinh trở lại lớp. Nhiều ruộng của nông dân được các bạn thanh niên tình nguyện giúp hỗ trợ thu hoạch nông sản.

Chung tay đóng góp, ủng hộ khắc phục thiệt hại sau bão

Sáng 13/9, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (TP.Hải Dương), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương cho biết: Bão số 3 với cường độ rất mạnh đã đổ bộ, sau đó là hoàn lưu bão gây mưa, lũ, sạt lở làm thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh, thành phố miền Bắc nước ta, trong đó có Hải Dương. Mất mát, đau thương đang bao trùm nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều gia đình chịu cảnh mất người thân, nhiều cụ già, trẻ em đang chịu cảnh thiếu lương thực, nước uống và không còn mái nhà để che mưa, che nắng.

Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hải Dương ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Nhân Dân

Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hải Dương ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Nhân Dân

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương phát động và kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc với tinh thần “tương thân, tương ái”, biến khó khăn thành sức mạnh, bằng những việc làm cụ thể, cùng chung tay sẻ chia, hỗ trợ, động viên cả vật chất và tinh thần giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống.

Dưới đây là một số hình ảnh về các hoạt động khắc phục thiệt hại sau bão của các địa phương, lực lượng công an, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương mà các đơn vị đã gửi về cho Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Hỗ trợ đắp đê khi nước sông dâng cao.

Hỗ trợ đắp đê khi nước sông dâng cao.

Đắp bao cát ngăn nước ngập lụt.

Đắp bao cát ngăn nước ngập lụt.

Di dời người dân ra khỏi khu vực ngập lụt.

Di dời người dân ra khỏi khu vực ngập lụt.

Đưa các em nhỏ đến nơi an toàn.

Đưa các em nhỏ đến nơi an toàn.

Cõng người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Cõng người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Hỗ trợ vận chuyển lương thực của người dân ra khỏi khu vực ngập lụt.

Hỗ trợ vận chuyển lương thực của người dân ra khỏi khu vực ngập lụt.

Hỗ trợ nước uống cho người dân ở vùng bị cô lập do ngập lụt.

Hỗ trợ nước uống cho người dân ở vùng bị cô lập do ngập lụt.

Hỗ trợ di chuyển tài sản của người dân đến nơi an toàn.

Hỗ trợ di chuyển tài sản của người dân đến nơi an toàn.

Cắt bỏ cành cây bị đổ do ảnh hưởng của bão Yagi.

Cắt bỏ cành cây bị đổ do ảnh hưởng của bão Yagi.

Văn phòng Đồng bằng sông Hồng cùng các đại diện các đơn vị tài trợ traoo nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.

Văn phòng Đồng bằng sông Hồng cùng các đại diện các đơn vị tài trợ traoo nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.

Không chỉ ủng hộ nhu yếu phẩm cho bà con ở Hải Dương, Văn phòng Đồng bằng sông Hồng còn trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ của khu vực, trong đó có Hưng Yên.

Không chỉ ủng hộ nhu yếu phẩm cho bà con ở Hải Dương, Văn phòng Đồng bằng sông Hồng còn trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ của khu vực, trong đó có Hưng Yên.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hai-duong-doan-ket-tao-suc-manh-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-93190.html