Hải Dương dự kiến dôi dư 101 trụ sở cấp xã, 2 trụ sở cấp huyện sau sắp xếp

Các trụ sở dôi dư, tài sản công, xe ô tô... sẽ được xử lý theo lộ trình, bảo đảm hiệu quả và hạn chế tối đa việc phải mua sắm tài sản mới.

Trụ sở xã Hưng Long (Ninh Giang) trước khi sáp nhập với xã Tân Quang, Văn Hội thành xã Hồng Châu, trụ sở mới sau sắp xếp dự kiến là trụ sở xã Văn Hội, Tân Quang hiện nay

Trụ sở xã Hưng Long (Ninh Giang) trước khi sáp nhập với xã Tân Quang, Văn Hội thành xã Hồng Châu, trụ sở mới sau sắp xếp dự kiến là trụ sở xã Văn Hội, Tân Quang hiện nay

Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có tổng số 207 trụ sở công của đơn vị hành chính cấp xã, 13 trụ sở của đơn vị hành chính cấp huyện (TP Hải Dương có 2 trụ sở).

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hải Dương năm 2025 của UBND tỉnh, 117 trụ sở công dự kiến sẽ được sử dụng làm trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp (106 trụ sở cấp xã, 11 trụ sở cấp huyện hiện nay).

Có 103 trụ sở công (101 trụ sở cấp xã, 2 trụ sở cấp huyện) dôi dư.

Các trụ sở công dôi dư sau sắp xếp sẽ được chuyển đổi công năng, điều chuyển cho đơn vị khác và chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý.

Trong đó, chuyển đổi công năng, điều chuyển cho đơn vị khác 85 trụ sở, giải quyết xong trước năm 2026. 18 trụ sở sẽ được chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý, giải quyết xong trước năm 2029.

Đối với trụ sở 207 trạm y tế cấp xã, sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính mới vẫn tiếp tục sử dụng làm cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân. Trên cơ sở quy hoạch chung của xã mới, địa phương sẽ đề xuất phương án xử lý theo quy định.

Đối với xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ.

Xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện thì giao, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu hoặc chưa có tài sản hoặc được xử lý theo quy định.

Máy móc, thiết bị chuyên dùng thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ có sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ.

Máy móc, thiết bị phổ biến, dùng chung và các tài sản khác thì ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng và chuyển đến địa điểm làm việc mới của đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để tiếp tục sử dụng, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ sau sắp xếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị và hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản.

Trường hợp còn dôi dư thì thực hiện điều hòa giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong huyện, trong tỉnh hoặc xử lý theo quy định.

UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình (gồm cả cấp huyện và cấp xã) để báo cáo UBND tỉnh.

Trường hợp có phương án chuyển đơn vị hành chính cấp xã từ huyện này sang huyện khác để sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở thì UBND cấp huyện tiếp nhận đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công của đơn vị hành chính cấp xã đó.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-du-kien-doi-du-101-tru-so-cap-xa-2-tru-so-cap-huyen-sau-sap-xep-410915.html