Hải Dương dự kiến giảm khoảng 50% tổng số đơn vị hành chính cấp xã

Sáng 4/4, tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có tờ trình về nguyên tắc, tiêu chí và dự kiến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tờ trình dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các quan điểm, nguyên tắc và dự kiến tiêu chí, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Trong đó, theo tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và báo cáo của Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp giảm còn khoảng 50% so với số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay trên địa bàn tỉnh; đồng thời bảo đảm tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới sau sắp xếp.

Khi xây dựng đề án, phương án sắp xếp, về trụ sở: Lựa chọn trụ sở của 1 đơn vị hành chính trung tâm làm trụ sở của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Trụ sở đơn vị hành chính mới phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông kết nối.

Trung tâm hành chính mới cần có không gian phát triển trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới. Khi nhập xã, thị trấn hoặc đô thị loại V, cần ưu tiên lựa chọn trụ sở đơn vị hành chính mới là đô thị hoặc nơi đã được quy hoạch là đô thị loại V.

Về tên gọi, bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, gắn với tên của đơn vị hành chính cấp huyện, giữ lại giá trị lịch sử, văn hóa để xác định và được đánh theo số thứ tự, trong đó lưu ý vùng Trung tâm phát triển, vùng lõi đô thị trở thành động lực xác định thành đơn vị hành chính thứ nhất theo tên gọi huyện, thị xã, thành phố...

Về dự kiến tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 200% trở lên tiêu chuẩn của xã quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Cụ thể, diện tích tự nhiên từ 42 km2 trở lên (quy định hiện hành 21 km2); quy mô dân số từ 16.000 người trở lên (quy định hiện hành 8.000 người).

Phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 15 km2 trở lên (quy định hiện hành đối với phường 5,5 km2) và quy mô dân số đạt từ 30.000 người trở lên (quy định hiện hành đối với phường thuộc thành phố 7.000 người; phường thuộc thị xã 5.000 người).

Trường hợp sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định như trên.

Xã Vĩnh Cường, huyện Thanh Hà (Hải Dương) sáp nhập từ xã Vĩnh Lập, Thanh Cường cũ đã đi vào hoạt động từ 1/12/2024 (ảnh tư liệu)

Xã Vĩnh Cường, huyện Thanh Hà (Hải Dương) sáp nhập từ xã Vĩnh Lập, Thanh Cường cũ đã đi vào hoạt động từ 1/12/2024 (ảnh tư liệu)

Hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Chính phủ căn cứ định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tình hình thực tiễn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí cụ thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm quy mô phù hợp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.

UBND tỉnh Hải Dương đã chủ động dự thảo các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Khi Trung ương có chỉ đạo chính thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ ban hành nghị quyết, kế hoạch sắp xếp, Đảng ủy UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện phương án, đề án theo kế hoạch.

Trong một số vấn đề cần lưu ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Nâng cao nhận thức, ý thức,
trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời làm tốt giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý phải xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình cấp có thẩm quyền thông đúng tiến độ; bảo đảm đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Tất cả 207 các xã, phường, thị trấn ở Hải Dương không đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số

Tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.668,28 km², dân số khoảng 2.154.900 người (bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi), tỷ lệ đô thị hóa 30,88%.

Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành cấp huyện, gồm có 2 thành phố (Hải Dương và Chí Linh), 1 thị xã (Kinh Môn) và 9 huyện (gồm Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách và Gia Lộc); 207 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 151 xã, 46 phường và 10 thị trấn).

Đối chiếu với dự kiến của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tất cả 207 xã, phường, thị trấn đều không đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, có 5 phường ở TP Chí Linh đạt tiêu chí, 202 xã, phường, thị trấn còn lại không đạt.

Về tiêu chuẩn quy mô dân số, có 13 xã đạt tiêu chí, 194 xã, phường, thị trấn còn lại không đạt.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-du-kien-giam-khoang-50-tong-so-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-408705.html