Hải Dương: Đưa lễ hội Đền Cao An Phụ vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia
Ngày 1/5, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ, phường An Sinh, thị xã Kinh Môn, UBND thị xã Kinh Môn tổ chức lễ tưởng niệm 771 năm ngày mất An Sinh vương Trần Liễu (1251-2022); công bố quyết định lễ hội truyền thống Đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và công nhận quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là khu du lịch cấp tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Lễ hội đền Cao An Phụ đã phản ánh lịch sử đấu tranh, phát triển của mảnh đất và con người vùng đất Kinh Môn với nhiều nghi lễ, nghi thức, trò chơi dân gian và nhiều hình thức diễn xướng dân gian mang tính đặc trưng của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ trải qua bao thế hệ được tích hợp, lưu truyền và gìn giữ đến ngày nay (lễ hội truyền thống gồm các nghi lễ mộc dục, cáo yết, rước kiệu, lễ tạ và các hoạt động phần hội như thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, thi đấu thể thao...).
Lễ hội là dịp để giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tưởng nhớ, ghi ơn những anh hùng có công với nước, với dân và đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Cùng với khu di tích đền Cao An Phụ, thị xã Kinh Môn còn có chùa Nhẫm Dương, nơi phát hiện nhiều dấu tích khảo cổ học quan trọng, chứng minh vùng đất này là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Di tích động Kính Chủ - công trình thiên tạo, được mệnh danh là “Nam thiên đệ lục động tức Động đẹp thứ 6 của trời Nam”.
Các di tích trên còn gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Vào năm 2016, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017 - hệ thống bia Ma nhai động Kính Chủ được công nhận là Bảo vật quốc gia. Năm 2021, quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.
Năm 2022, lễ hội truyền thống đền Cao An Phụ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo vệ và phát huy tác dụng tốt hơn nữa giá trị của lễ hội đền Cao An Phụ và quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị địa phương tuyên truyền sâu rộng cho toàn dân hiểu được ý nghĩa và giá trị của lễ hội đền Cao An Phụ nói riêng và giá trị của Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương nói chung. Các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao khả năng quản lý, tổ chức lễ hội, quản lý di tích; sưu tầm, bổ sung tư liệu để khôi phục các nghi lễ, nghi thức và trò chơi dân gian truyền thống cho đúng với lễ hội xưa nhằm bảo tồn những giá trị đặc sắc. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần làm tốt việc bảo tồn không gian quần thể di tích gồm: Khu vực di tích được khoanh vùng bảo vệ và các điểm di tích đền Cao An Phụ chùa Tường Vân, tượng đài Trần Hưng Đạo, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương.
Ông Nguyễn Minh Hùng đề nghị xây dựng các tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương trong đó cơ sở cho việc xây dựng chính là các điểm di tích trong quần thể di tích; liên kết chặt chẽ với các tour, tuyến để xây dựng tuyến du lịch văn hóa tâm linh, danh thắng từ thị xã Kinh Môn lan tỏa ra vùng phụ cận, trở thành tuyến du lịch xứng tầm quốc gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.
Kết thúc buổi lễ, các đại biểu và du khách thập phương đã dâng hương tưởng niệm An Sinh vương Trần Liễu.
Được biết, Lễ hội đền Cao An Phụ gắn liền với thân thế, sự nghiệp của An Sinh vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (vị anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, đã 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông). Trần Liễu là tôn thất thuộc Hoàng tộc nhà Trần, con trưởng của Thượng hoàng Trần Thừa, anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông (1218-1277), vị vua đầu tiên của Triều Trần. Ông được vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên, phong là Phò mã đô úy, lại cấp đất A Sào (nay là phần đất hai xã An Đông và An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) để làm thực ấp, phong tước Phụng Càn vương. Năm 1228, ông được điều về kinh thành lo việc triều chính và được phong chức Thái úy.
Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ (nay thuộc Kinh Môn, Hải Dương), An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay thuộc Đông Triều, Uông Bí, Quảng Ninh), ban cho ông làm thực ấp và phong tước An Sinh vương.
An Sinh Vương giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc. Ông đã xây dựng, kiến thiết khu vực ven biển Hải Đông thành vùng giàu có, mạnh về kinh tế, quốc phòng, dân các huyện Kinh Môn, Đông Triều, Yên Hưng (nay là thị xã Kinh Môn, Đông Triều, Quảng Yên) nhiều nơi thờ ông làm Thành hoàng. Ông có công trong việc khai hóa vùng sơn dã thành một trung tâm văn hóa, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều, đều có công mở đường của An Sinh Vương.
Năm 1251, An Sinh vương tạ thế tại phủ đệ An Phụ. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Khâm Minh Đại Vương, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ trên núi An Phụ.