Hải Dương giải quyết vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản vừa chủ trì phiên họp lần 8 trong tháng 5 để xem xét, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hải Dương, tổng số vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Hải Dương là 7.926,9 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 4.578,4 tỷ đồng, vốn cấp huyện, xã là 3.311,2 tỷ đồng, vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư là 37,3 tỷ đồng.

Đến ngày 25/5, tỉnh Hải Dương đã giải ngân được 787,4 tỷ đồng, đạt 10% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán và bằng 12,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh đã giải ngân là 416 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,1%, ngân sách cấp huyện, xã giải ngân được 371,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,2%, vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập chưa giải ngân.

Sở KH&ĐT Hải Dương đánh giá, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương còn một số khó khăn, hạn chế như việc lựa chọn nhà đầu tư một số dự án còn chậm; danh mục vật liệu xây dựng công bố định kỳ của Sở Xây dựng còn hạn chế khiến chủ đầu tư không đủ căn cứ xác định tổng mức đầu tư, dự toán. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ thi công.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản vừa chủ trì phiên họp lần 8 trong tháng 5

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản vừa chủ trì phiên họp lần 8 trong tháng 5

Sau khi nghe từng cơ quan, đơn vị báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch, đề ra tiến độ tháo gỡ khó khăn cụ thể, hiệu quả. Trong công tác giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, thực hiện các bước đúng quy trình, không để chậm trễ trong thu hồi đất làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án.

Đối với các dự án giao cho cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư, các địa phương cần chủ động thực hiện chuẩn bị đầu tư, những địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản không được giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư công. Các huyện, thành phố, thị xã có thể xem xét không giao cho cấp xã làm chủ đầu tư một số dự án, công trình nhằm giảm bớt gánh nặng, áp lực về nợ đọng.

Nhấn mạnh việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, việc triển khai các dự án đã nằm trong kế hoạch đầu tư công, các cấp. Do đó, các ngành cần khẩn trương rà soát, xem xét các dự án mới bổ sung vào điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và giai đoạn sau năm 2030. Các dự án được triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của cấp huyện.

Việc đề xuất nhiệm vụ đầu tư công phải căn cứ vào nguồn lực, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát huy hiệu quả đầu tư. Dự án đầu tư công phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất. Các Sở, ngành, địa phương đánh giá các dự án cần thiết, cấp bách gửi danh mục về Sở KH&ĐT tổng hợp, tham mưu. “Đây sẽ là lần điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công cuối cùng của giai đoạn 2021-2025. Trước ngày 10/6, các cơ quan, đơn vị phải gửi danh mục dự án đầu tư về Sở Kế hoạch và Đầu tư", ông Lưu Văn Bản nhấn mạnh.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-duong-giai-quyet-vuong-mac-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2024.html