Hải Dương làm gì để ứng phó nước ô nhiễm, hạn mặn?

Các địa phương, đơn vị ở Hải Dương đã có nhiều giải pháp chủ động ứng phó với nguồn nước bị ô nhiễm và xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Độ mặn của nước tại cống Cầu Xe (Tứ Kỳ) từ tháng 3/2024 thường xuyên vượt ngưỡng cho phép. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Độ mặn của nước tại cống Cầu Xe (Tứ Kỳ) từ tháng 3/2024 thường xuyên vượt ngưỡng cho phép. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Thiệt hại kép

Người dân sống gần khu vực phao đò Đồn, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) cho biết cuối tháng 3 vừa qua, cả đoạn kênh Đình Đào qua địa bàn xã bị ô nhiễm nặng, nước có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối, cá chết rải rác. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nước ở khúc sông này bị ô nhiễm như vậy.

Cùng thời điểm đó, nước sông Bắc Hưng Hải ở khu vực cầu Vạn (xã Minh Đức), cầu Bía (xã Đại Hợp), cống Cầu Xe, cống An Thổ (cùng huyện Tứ Kỳ) cũng gặp tình trạng ô nhiễm tương tự.

Hệ thống Bắc Hưng Hải chủ yếu lấy nước từ sông Hồng qua cống Xuân Quan (Hưng Yên) và lấy nước ngược từ sông Thái Bình, sông Luộc qua cống Cầu Xe, cống An Thổ. Từ đầu tháng 3, nước sông ngoài tại một số điểm ở Tứ Kỳ bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Điển hình độ mặn tại cống Cầu Xe ngày 4/3 là 9,3‰, tại cống An Thổ là 4,7‰; tại cầu Quý Cao ngày 9/3 là 11,23‰, vượt hơn 11 lần mức cho phép (1‰). Do không lấy nước ngược được nên nước sông Bắc Hưng Hải tại Tứ Kỳ không được pha loãng, đẩy dòng nước lưu thông vào hệ thống. Cùng với đó, Tứ Kỳ ở khu vực hạ lưu nên bị dòng nước ô nhiễm từ phía thượng lưu hệ thống Bắc Hưng Hải dồn về nên càng ô nhiễm.

Tình trạng xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân các xã giáp cửa sông ở Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Kim Thành.

Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) cho biết địa phương không có trạm bơm, việc tưới cho toàn bộ diện tích lúa và vải của xã phụ thuộc vào nước sông ngoài lấy qua 4 cống dưới đê. "Mùa này nước sông ngoài thường xuyên nhiễm mặn nên từ đầu tháng 4 đến nay chúng tôi mới mở cống lấy nước được 3 lần, mỗi lần gần 1 tiếng đồng hồ. Do thiếu nước nên nhiều diện tích lúa sinh trưởng, phát triển chậm, còi cọc", ông Hòa nói.

Tình trạng xâm nhập mặn cũng đã gây thiếu nước ăn uống, sinh hoạt tại nhiều hộ ở xã Vĩnh Lập. Một số hộ nuôi thủy sản ở địa phương này cũng bị thiệt hại do chủ quan bơm nước trực tiếp từ sông ngoài vào ao nuôi.

Nhiều giải pháp

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương tranh thủ bơm tích nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải vào kênh trục nội đồng ở Bình Giang khi nước bảo đảm chất lượng

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương tranh thủ bơm tích nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải vào kênh trục nội đồng ở Bình Giang khi nước bảo đảm chất lượng

Những năm gần đây, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong vận hành hệ thống thủy lợi nội đồng do nguồn nước từ giai đoạn đổ ải đã bị ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm, hạn mặn, nhất là tại Bình Giang, Cẩm Giàng.

Để ứng phó với khó khăn kép này, ngay từ đầu năm, công ty đã chủ động kiểm tra, xác định các vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước, xây dựng phương án trọng điểm để sẵn sàng triển khai khi có tình huống hạn hán xảy ra. Lắp đặt 2 máy bơm dầu dã chiến tại điểm bơm Trâm Mòi (Bình Giang) để cung cấp nước tưới cho 50 ha lúa của thôn Trâm Mòi và Nhữ Thị (xã Thái Hòa, cùng huyện Bình Giang). Tranh thủ tích nước vào kênh trục ở những thời điểm thuận lợi về nguồn nước và bơm sớm cho những vùng khó khăn.

Tứ Kỳ là điểm "nóng" cả về tình trạng ô nhiễm và xâm nhập mặn. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tứ Kỳ cho biết đơn vị phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ độ mặn và chất lượng nguồn nước. Đóng cống khi nước sông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm, nước sông ngoài bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép, không để nước bẩn, nước nhiễm mặn xâm nhập vào kênh trục nội đồng.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước và ô nhiễm trong hệ thống Bắc Hưng Hải vào mùa khô, ngày 28/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng trạm bơm dã chiến Xuân Quan (Hưng Yên), bơm nước từ sông Hồng vào hệ thống. Công trình có tổng vốn đầu tư 61,3 tỷ đồng gồm 8 tổ máy bơm chìm, tổng công suất 16m3/s. Công trình hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 24/3 vừa qua, sớm hơn dự kiến 4 ngày.

Ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết việc đưa trạm bơm dã chiến Xuân Quan vào vận hành giữa cao điểm mùa khô năm nay có ý nghĩa rất quan trọng. Công ty đã vận hành trạm bơm liên tục từ ngày 24/3 đến nay để bổ sung lượng nước lớn vào hệ thống nhằm pha loãng, giảm ô nhiễm nhiều tuyến kênh trong hệ thống thủy nông lớn nhất miền Bắc này, nhất là khu vực hạ lưu ở huyện Tứ Kỳ. Hiện chất lượng nước trong các tuyến kênh Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được cải thiện đáng kể.

Thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục mở cống Xuân Quan lấy nước kết hợp vận hành trạm bơm dã chiến để bổ sung nguồn nước cho hệ thống. Đồng thời thường xuyên quan trắc độ mặn tại cống Cầu Xe, cống An Thổ để tranh thủ lấy nước ngược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương cũng đang tích cực lấy mẫu xét nghiệm nước thải và kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-lam-gi-de-ung-pho-nuoc-o-nhiem-han-man-378944.html