Hải Dương: Một hộ dân ngang nhiên san đất thủy lợi...làm bãi xe
Một hộ dân tại xã Ứng Hòe đã ngang nhiên san lấp hơn nghìn m2 trong phạm vi bảo vệ bờ hữu kênh Đĩnh Đào, dựng bãi đậu xe ô tô trái phép để bán xe.
Tự ý san lấp hàng nghìn m2, xây bãi đậu xe trái phép
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Bùi Khắc Chung - Chủ tịch UBND xã Ứng Hòe (huyện Ninh Giang, Hải Dương) cho biết, mới đây, UBND xã và Trạm Quản lý công trình Cầu Xe - An Thổ đã kiểm tra, lập biên bản đối với hộ ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1963, thôn Quảng Nội, xã Ứng Hòe) do có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi đê điều.
Cụ thể, biên bản vi phạm hành chính số 07 do UBND xã Ứng Hòe lập ngày 27/8 cho thấy, tại khu vực kênh Đĩnh Đào thuộc thôn Đỗ Xá (xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang), ông Nguyễn Văn Dũng đã tự ý dựng cột thép làm nhà tạm, mái tôn và bãi đậu xe.
UBND xã Ứng Hòe đã yêu cầu ông Dũng dừng ngay tất cả các hành vi vi phạm, tự tháo dỡ công trình vi phạm, di chuyển toàn bộ xe ô tô đậu đỗ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Thời gian tháo dỡ công trình vi phạm và di chuyển số lượng xe đậu đỗ từ 28/8 đến hết ngày 5/9.
Trước đó, từ năm 2018, ông Dũng đã tự ý đắp bờ, bơm cát trên diện tích 1.156 m2 trong phạm vi bảo vệ bờ hữu kênh Đĩnh Đào đoạn hạ lưu cầu Bía. Đến cuối năm 2021, ông Dũng san gạt mặt bằng diện tích trên làm bãi đỗ xe. Đầu năm 2022, ông Dũng tiếp tục rải đá dăm để hoàn thiện mặt bãi. Dù được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phát hiện, yêu cầu giải tỏa vi phạm nhưng ông Dũng không chấp hành mà tiếp tục vi phạm.
Ghi nhận của PV Tri thức và Cuộc sống sáng 21/9, bãi đỗ xe trái phép trên vẫn chưa được di chuyển, các công trình vi phạm vẫn chưa được ông Dũng tự giác tháo dỡ. Gần chục chiếc ô tô tải vẫn được tập kết tại đây để rao bán.
Ông Nguyễn Văn Dũng khi trao đổi với PV về hành vi vi phạm trên cho biết: “Bãi đó mục đích để trồng cây cảnh. Bãi đậu xe là của cháu ông Bí thư xã cũ nhờ để tạm để đi tìm chỗ. Tôi cũng bảo nơi đó là đường đi, hơn nữa lại nhạy cảm”.
Không tự giác tháo dỡ, chính quyền có thể cưỡng chế, giải tỏa
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của ông Dũng khi tự ý đắp bờ, bơm cát trên diện tích 1.156 m2 trong phạm vi bảo vệ bờ hữu kênh Đĩnh Đào đoạn hạ lưu cầu Bía là trái với quy định của pháp luật hiện hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng bảo vệ nguồn nước của hành lang kênh Đĩnh Đào.
Cụ thể, tại khoản 1 và 2 điều 6 nghị định 43/2015/NĐ-CP về quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước cấm các hành vi gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa.; Lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại khoản 4 điều 8 Luật Thủy lợi 2017 quy định hành vi ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi là hành vi bị cấm trong hoạt động thủy lợi.
Tại khoản 3 điều 12 Luật Xây dựng 2014 cũng quy định những hoạt động xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này là hành vi bị cấm.
Tại điểm a, khoản 2, điều 28 pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 về khai thác bảo vệ công trình thủy lợi có quy định các hành vi trái phép gây mất an toàn cho công trình thủy lợi trong phạm vi bảo vệ công trình, bao gồm: “Khoan, đào đất đá, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi gây mất an toàn cho công trình.”
Bên cạnh đó, ông Dũng không chấp hành yêu cầu giải tỏa của lực lượng chức năng, tiếp tục lắp dựng nhà tạm có diện tích 20 m2 trên phần đất hành lang kênh thuê thầu với UBND xã vào cuối tháng 8 vừa qua. Như vậy, hành vi này của ông Dũng là trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính ( theo khoản 12 điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).
Khoản 7 điều 24 nghị định 03/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo điều 30 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện. Do đó, trường hợp không giải tỏa công trình ông Dũng sẽ phải chịu cưỡng chế từ cơ quan có thẩm quyền.
Mời độc giả xem thêm video Tiến độ dự án bất động sản hàng hiệu tại TP. Hồ Chí Minh: