Hải Dương: Nhiều kiến nghị của cán bộ GD khi đối thoại Bí thư Tỉnh ủy

Ngày 11/8, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã trực tiếp đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục.

Gần 1.100 đại biểu tham gia, trong đó có trên 900 đại biểu đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; lãnh đạo các trường công lập và tư thục của cấp học mầm non, tiểu học, THCS…

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng

Nhiều phản ánh, kiến nghị của cán bộ ngành Giáo dục
Tại buổi đối thoại, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về mục tiêu tinh giải biên chế ngành giáo dục và đào tạo mà UBND tỉnh Hải Dương đã có kế hoạch giai đoạn 2022-2026 là giảm ít nhất 5% số biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Các đại biểu cho rằng, việc cắt giảm biên chế sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì thực tế số giáo viên do tỉnh giao đang thấp hơn quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, đề nghị tỉnh có chính sách đặc thù đối với ngành giáo dục và đào tạo trong tinh giản biên chế, cho hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các đơn vị có thu, không tinh giản bằng cách cắt biên chế cơ học.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng

Về vấn đề trên, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương cho biết trong tổng số biên chế viên chức sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì biên chế ngành giáo dục và đào tạo chiếm trên 86%. Do vậy, để bảo đảm giảm 10% số biên chế sự nghiệp trong giai đoạn 2022-2026 của tỉnh theo mục tiêu của Trung ương đề ra, ngành giáo dục vẫn phải thực hiện giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách mới hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế trong giai đoạn này.

Các đại biểu tham dự buổi đối thoại.

Các đại biểu tham dự buổi đối thoại.

Năm 2023, các trường thực hiện tinh giản theo kế hoạch. Từ năm 2024 trở đi các cơ sở giáo dục công lập vẫn phải giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước bảo đảm theo lộ trình trên, nhưng không cắt giảm cơ học mà gắn với việc chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (không phải ngân sách nhà nước cấp) trên cơ sở xây dựng Đề án tự chủ về tài chính do Sở Tài chính hướng dẫn và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Một số ý kiến đề nghị tỉnh Hải Dương cần có chính sách thu hút nhân tài về tỉnh (sinh viên sư phạm xuất sắc, giỏi...) thông qua cơ chế tuyển dụng và các chính sách ưu đãi khác cho đội ngũ giáo viên.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, Trung ương và tỉnh Hải Dương đã có các quy định về chính sách thu hút nhân tài. Năm 2019, HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Trong các năm 2020 và 2022, Sở GD&ĐT tổ chức xét tuyển theo những chính sách này để tuyển dụng giáo viên chuyên cho Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Riêng các cơ sở giáo dục khác chưa thực hiện được vì không có nguồn tuyển đủ tiêu chuẩn theo quy định. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên thuộc tỉnh, nhất là giáo viên cấp mầm non, tiểu học để thu hút nguồn tuyển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ giáo viên, giảm thiểu tình trạng giáo viên bỏ nghề do thu nhập thấp...

Về kiến nghị tăng lương cho đội ngũ giáo viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, quy định từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1.800.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng 20,8% so với quy định hiện hành (1.490.000 đồng). Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Bộ cũng đang dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, với 8 mức phụ cấp từ 25-100%.

Về kiến nghị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, đối với kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương. Hàng năm, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tập trung các nguồn lực ưu tiên bố trí kinh phí cho Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện để thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu.

Việc xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đến nay, đề án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hải Dương luôn quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo

Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo đã kiến nghị khá đầy đủ những vấn đề mà xã hội rất quan tâm hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh, điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự yêu nghề, mong muốn sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển.

Đối với các nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất phương án giải quyết ngay trong năm 2023.

Cụ thể như một số kiến nghị về cơ chế, chính sách riêng của tỉnh để đãi ngộ, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề, các quy định trong tổ chức thi nâng ngạch giáo viên, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo dục, giảng viên giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng giáo viên thông qua đào tạo; phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực; xác định nhu cầu việc làm và dự báo thị trường lao động.

Đối với các kiến nghị về đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các trường tổng hợp báo cáo nhu cầu thực tế để báo cáo đề xuất cơ quan chức năng. Về vấn đề bố trí quỹ đất cho giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo công khai toàn bộ quỹ đất bố trí để thu hút xã hội hóa vào các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục; các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất giáo dục cho các cơ sở giáo dục công lập.

Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của tỉnh, các sở, ngành theo từng lĩnh vực tổng hợp để kiến nghị đề xuất với cơ quan trung ương. Trong đó có các vấn đề liên quan đến quy định về tinh giản biên chế ngành giáo dục, trường chuẩn quốc gia, sách giáo khoa…

Mời độc giả xem thêm video Phụ huynh kéo lên Sở Giáo dục kiến nghị “trả” lại điểm cho thí sinh do hiểu nhầm đề thi Toán"

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hai-duong-nhieu-kien-nghi-cua-can-bo-gd-khi-doi-thoai-bi-thu-tinh-uy-1887890.html