Ngày 31/5/1957, trên đường công tác từ Hải Phòng về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hải Dương lần 2. Trong ảnh: Tại Hội trường Tỉnh ủy, sau là Trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Bảo tàng tỉnh, Bác nói chuyện với trên 400 đại biểu là cán bộ khu, cán bộ tỉnh, bộ đội và các tầng lớp nhân dân (ảnh tư liệu)
Cùng ngày 31/5/1957, Bác Hồ về xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương), thăm một số gia đình, trong đó có gia đình cụ Vũ Văn Trung ở xóm Vũ Thượng có 3 con đi bộ đội. Trong ảnh: Bác Hồ thăm và tìm hiểu về hoạt động sản xuất của nông dân xã Ái Quốc ngày 31/5/1957 (ảnh tư liệu)
Ngày 1/4/1959, sau khi đi thăm tỉnh Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) và TP Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm tỉnh Hải Dương lần 3. Trong ảnh: Tại trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Bác nói chuyện với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh (ảnh tư liệu)
Ngày 26/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hải Dương lần thứ tư. Buổi sáng, Người nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát nhân dân). Sau đó Bác về thăm bà con nông dân xã Ứng Hòe và xã Hiệp Lực (Ninh Giang). Trong ảnh: Tại xã Hiệp Lực, Người tham gia guồng nước chống úng cùng với bà con nông dân. Bác đã lẩy hai câu Kiều tặng bà con: “Trăm năm trăm cõi người ta/Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”
Trưa 15/2/1965, Bác tới thăm xã Nam Chính (Nam Sách) - nơi có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh. Bác thăm hỏi đời sống nhân dân, xem các công trình vệ sinh như giếng nước, nhà tắm… của bà con và căn dặn: "Cái gì đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn nữa, cái gì còn kém thì phải cố gắng để tiến lên khá...". Trong ảnh: Bác thăm, kiểm tra giếng nước của gia đình cụ Vương Thị Khe ở thôn An Thường, xã Nam Chính (ảnh tư liệu)
Chiều 15/2/1965, Bác đã tới thăm Côn Sơn (Chí Linh). Tại đây Người căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ”. Trong ảnh: Bác Hồ đọc bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” (ảnh tư liệu)
Hải Dương luôn khắc ghi, thực hiện tốt những lời cặn dặn của Người, trong đó có lời dạy: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Tăng trưởng kinh tế của Hải Dương những năm gần đây luôn đứng trong tốp đầu cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh tăng trưởng 10%, đứng thứ 7 toàn quốc và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng
Hải Dương đã dồn lực đầu tư nhiều công trình giao thông lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội như đường trục đông-tây tỉnh kết nối các địa phương phía. Trong ảnh: Ngã tư giao nhau giữa đường trục đông-tây tỉnh với đường huyện ĐH 01 ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang)
Năm 2022, Hải Dương là địa phương thứ 5 trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đang hướng đến xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong ảnh: Diện mạo nông thôn mới ở xã Thanh Hải (Thanh Hà)
Hải Dương đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đa giá trị để nâng thu nhập, mức sống cho nông dân. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của Hải Dương đạt gần 4,1%, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch nho tại trang tại của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao và hữu cơ Phú Điền (Nam Sách). Đây là trang trại trồng nho sữa lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 2 ha
Những năm qua, Hải Dương có nhiều chính sách chăm lo cho người có công, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hải Dương năm 2023 đạt 5,34 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,2% so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,15% năm 2021 (13.823 hộ) xuống còn 1,34% năm 2023 (8.695 hộ). Trong ảnh: Đại diện các đoàn thể ở địa phương thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bích (sinh năm 1932) ở thôn Lôi Xá, xã Đức Chính (Cẩm Giàng)
Hải Dương là tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao. Tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có gần 1,8 triệu người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) tham gia bảo hiểm y tế, đạt 98,1% kế hoạch, đạt 92,8% số dân. Trong ảnh: Sử dụng thiết bị công nghệ cao để khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương
Chất lượng giáo dục-đào tạo ở tỉnh không ngừng được nâng lên. Năm 2024, Hải Dương xếp hạng 11 cả nước trung bình thi tốt nghiệp THPT, duy trì vị trí tốp 10 toàn quốc về số lượng giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Ái Quốc (TP Hải Dương) đọc sách trong thư viện trường
Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là yếu tố quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, Hải Dương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp xây dựng thị trường lao động thích ứng, năng động. Lao động qua đào tạo ở tỉnh tăng nhanh, đến năm 2023 đạt 32,5% số người qua đào tạo được cấp chứng chỉ (tăng khoảng 14% so với năm 2014). Trong ảnh: Công nhân sản xuất linh kiện điện tử ô tô Hyundai ở Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đang tập trung để phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Trong ảnh: Biểu diễn múa rối nước tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng (TP Hải Dương)
HOÀNG BIÊN-THÀNH CHUNG