Hải Dương: Rà soát toàn bộ đất đai vi phạm sau vụ Chủ tịch xã bán đất công
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu địa phương nào còn để phát sinh tình trạng vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi thì cán bộ, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Như báo Tiền Phong đã thông tin về vụ việc Chủ tịch xã Tráng Liệt (cũ) nay là Thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) bán đất công trái thẩm quyền. Đoàn kiểm tra của Ban thường vụ Huyện ủy Bình Giang đã xác định nhiều vi phạm liên quan và kỷ luật ông Quách Văn Hưng (nguyên Chủ tịch xã) bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Ngoài ông Quách Văn Hưng, còn có 10 cán bộ xã Tráng Liệt cũ cũng đã bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi Đảng.
Đầu tháng 6/2022, Bí thư Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt Quách Công Thọ đã ban hành Nghị quyết về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xử lý các vi phạm về đất đai trên địa bàn thị trấn.
Theo đó, yêu cầu UBND thị trấn rà soát, thống kê chi tiết, đảm bảo không bỏ sót các vi phạm đất đai đến thời điểm này trên địa bàn thị trấn. Đánh giá vi phạm của từng trường hợp. Nghiêm cấm không để phát sinh các vi phạm mới, giữ nguyên hiện trạng các vi phạm cũ.
Riêng đối với “điểm nóng” tại khu vực Mả Vường, Triều Viềng, Đảng ủy thị trấn yêu cầu rà soát, lập danh sách vi phạm, báo cáo hướng xử lý báo cáo Đảng ủy trước ngày 15/9/2022. Trong quá trình rà soát, xử lý các điểm vi phạm cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân cán bộ công chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao để xảy ra các vi phạm trên địa bàn.
Nhiều bức xúc chưa được giải quyết
Dù UBND huyện Bình Giang đã liên tục có những chỉ đạo xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn thị trấn Kẻ Sặt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sai phạm tồn tại qua nhiều năm chưa được xử lý.
Ông Phạm Hồng Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt (đại diện các hộ dân) cho biết, Triều Viềng là khu đất phình ra. Sau trận lụt năm 1971, địa phương tiến hành quai đê lấn triều sông Sặt, vì lúc ấy xã có rất ít diện tích đất canh tác.
Khu đất rộng 9ha sử dụng làm canh tác, 3ha làm làng nghề khác. Thế nhưng từ năm 2008, UBND xã giao khu đất trên làm mô hình HTX của Đoàn Thanh niên. Từ đó đến nay, khu vực này bị chiếm dụng nơi thì hoang hóa nơi thì xây dựng trái phép khiến người dân bức xúc.
"Chúng tôi chỉ mong được chia lại đất để canh tác, chứ nhìn cả chục ha đất đai hoang hóa ai cũng xót xa", ông Thanh nói.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, HTX Dịch vụ thanh niên Thành Công đăng ký thành lập vào năm 2009, trụ sở tại 90 Khu Hạ, xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang với vốn điều lệ 150 triệu đồng. Chủ nhiệm Hợp tác xã là ông Quách Công Thường sinh ngày 16/12/1978. Sau khi được bàn giao khu đất hơn 9ha, HTX hoạt động không hiệu quả, khiến cả khu vực canh tác bị hoang hóa. Một phần bị lấn chiếm xây dựng công trình trái phép.
Được biết, ngày 1/8/2011, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư mới và dịch vụ thương mại phía Tây thị trấn Kẻ Sặt (tỷ lệ 1/500). Nhà đầu tư trúng thầu là Công ty Cổ phần xây lắp vật tư kỹ thuật với giá trị hợp đồng tạm tính là 850 triệu đồng.
Từ đó đến nay đã 11 năm, khu vực trên vẫn chưa được thực hiện quy hoạch.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2022 của tỉnh Hải Dương, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chuyển đổi và vi phạm xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhận định, tại các địa phương đã có sự buông lỏng quản lý, chỉ đạo thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng xây dựng không đúng quy định trên đất chuyển đổi. Trong đó, có cả nguyên nhân do sự phối hợp không tốt giữa các ngành của tỉnh và các địa phương. Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND sẽ kiên quyết xử lý các công trình vi phạm, không có vùng cấm. Nếu địa phương nào còn để phát sinh tình trạng vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi thì cán bộ, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê cụ thể các trường hợp xây vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi. Trong đó, cần phân loại công trình, xác định rõ thời gian xây dựng, quy mô và mức độ vi phạm. Đồng thời, các địa phương rà soát, thống kê diện tích đất do UBND cấp xã quản lý, trong đó thống kê tổng diện tích đến nay đã bị biến tướng, giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng vào mục đích khác, từ đó đề xuất, tham mưu giải pháp quản lý, xử lý.