Hải Dương: Sắp diễn ra Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của tỉnh
Hội nghị dự kiến có khoảng 200 đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu tỉnh Hải Dương và khoảng 50 điểm cầu nước ngoài tham dự trực tuyến, bao gồm đại diện các thương vụ Việt Nam và các doanh nghiệp chế biến, các nhà nhập khẩu, thu mua nông sản tại các thị trường.
Ngày 09/5/2024, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Thanh Hà tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Hội nghị dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự trực tuyến dự kiến sẽ có khoảng 50 điểm cầu nước ngoài với khoảng 100 đại biểu, gồm đại diện một số Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến, các nhà nhập khẩu, thu mua nông sản tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), một số nước khu vực Trung Đông, Hoa Kỳ…
Khách mời tham dự tại điểm cầu trụ sở UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương dự kiến 200 đại biểu, trong đó có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương và một số phòng, đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Sở Công Thương và UBND huyện Thanh Hà cùng các phòng, đơn vị liên quan. Tham dự hội còn có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh, các sàn thương mại điện tử uy tín.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, hộ kinh doanh vải thiều của Thanh Hà nói riêng, nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phát triển thị trường đã có, tìm kiểm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ giúp các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu về thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu của thị trường nước ngoài để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh; đồng thời giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về vải thiều và nông sản của tỉnh Hải Dương, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Thanh Hà và các đơn vị liên quan tổ chức trưng bày, giới thiệu vải thiều và một số nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh tại hội nghị.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Tỉnh hiện có 08 nhóm nông sản chủ lực và 351 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, gắn mã truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết. Một số sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.
Vải thiều Thanh Hà là cây đặc sản, chất lượng cao có thương hiệu trên thị trường, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thời vụ thu hoạch trái cây của tỉnh chủ yếu từ tháng 05 đến tháng 08 hàng năm. Sản lượng vải hàng năm duy trì khoảng 55-60.000 tấn/năm (thu hoạch tập trung từ cuối tháng 5 đến tháng 6 hàng năm).
Trong các năm qua, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài.
Thông qua các sự kiện đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo hiệu ứng lớn cả trong nước và quốc tế; với sự kết nối, tham gia của gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài tại 18 quốc gia và khu vực trên thế giới; qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng, nông sản Hải Dương nói chung trên thị trường trong nước và thế giới; thúc đẩy liên kết, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu.