Hải Dương: Tập trung triển khai nhanh nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp bão số 3

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn. Tỉnh này cũng tập trung triển khai nhanh nhiều biện pháp ứng phó trước cơn bão được dự báo có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão

Chiều ngày 6/9, ông Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo sẵn sàng ứng phó với bão số 3 tại địa bàn huyện Nam Sách và TP.Chí Linh.

Qua kiểm tra thực tế tại trạm bơm Đò Hàn, khu vực nuôi cá lồng tại xã Nam Tân (Nam Sách) và hồ Phú Lợi ở phường Bến Tắm (Chí Linh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó tại các địa phương này. Nhấn mạnh bão số 3 là cơn bão mạnh, diễn biến rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra, bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu kiểm tra công tác phòng chống bão tại hồ Phú Lợi (TP.Chí Linh). Ảnh: Báo Hải Dương

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu kiểm tra công tác phòng chống bão tại hồ Phú Lợi (TP.Chí Linh). Ảnh: Báo Hải Dương

Đối với những khu vực nuôi cá lồng, các hộ cần kiểm tra, gia cố lồng bé chắc chắn, cần di chuyển các vật dụng, tài sản có giá trị lên bờ, không ở lại lồng bè vào thời điểm đêm tối, khi có mưa bão. Đối với các trường hợp cấp thiết phải ở tại lồng bè cần trang bị đầy đủ các vật dụng, phương tiện bảo hộ. Chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ nuôi kiểm tra, gia cố lồng bè chắc chắn.

Đối với nguy cơ sạt lở ở khu vực hồ đập và đồi núi, ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương không bị động, chủ quan, phải nắm chắc thông tin các điểm nguy hiểm, số hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng để có phương án ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố. Đặc biệt là tránh bị động nếu tính huống diễn ra vào ban đêm, tính toán kịch bản nếu mưa bão gây mất điện, mất sóng viễn thông.

Trước đó, sáng 6/9, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Bình Giang. Kiểm tra thực tế tại trạm bơm Cầu Sộp (thị trấn Kẻ Sặt), điểm sạt lở bờ kênh Bắc Hưng Hải và vùng sản xuất lúa tập trung (xã Thúc Kháng), Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước bão số 3.

Đồng thời phải lường trước các tình huống để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là khi có mưa lớn, nước dồn về nhanh; phải làm tốt việc tháo gạn nước đệm, hạ thấp mực nước kênh trục. Các trạm bơm tiêu úng phải được kiểm tra kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ thiết bị, động cơ dự phòng đáp ứng yêu cầu vận hành, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng kiểm tra thực tế điểm sạt lở bờ kênh Bắc Hưng Hải. Ảnh: Báo Hải Dương

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng kiểm tra thực tế điểm sạt lở bờ kênh Bắc Hưng Hải. Ảnh: Báo Hải Dương

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dự báo, diễn biến tình hình mưa bão để người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh. Đối với các điểm xung yếu trên hệ thống công trình thủy lợi, cần bố trí lực lượng trực và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra.

Đối với những vị trí xung yếu trên hệ thống Bắc Hưng Hải, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện phối hợp Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tính toán phương án xử lý phù hợp trong trường hợp cấp bách, không bị động làm ảnh hưởng tới công tác phòng chống thiên tai.

Nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc để tránh bão

Chiều 6/9, nhiều doanh nghiệp tại Hải Dương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão số 3. Một số công ty cho công nhân nghỉ việc ngày 7 và 8/9 để tránh bão.

Các công ty TNHH Long Hải (TP Hải Dương), Nissei Việt Nam (Cẩm Giàng), Babeeni Việt Nam (Gia Lộc) đã cho toàn bộ cán bộ, người lao động nghỉ làm từ ngày 7-8/9 để tránh bão số 3 (siêu bão Yagi). Các công ty kiện toàn lại tổ trực ban phòng chống bão, túc trực 24/24 giờ trong ngày nhằm phát hiện, xử lý các sự cố do mưa, bão gây ra.

Một số công ty TNHH như: Camex Việt Nam (Ninh Giang), Hearty Rise Việt Nam (Thanh Miện) vẫn hoạt động sản xuất bình thường do sức ép từ đơn hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp khuyến cáo người lao động thực hiện nghiêm các cảnh báo của cơ quan chức năng khi xảy ra mưa bão. Bố trí chỗ ăn, nghỉ tại công ty cho các công nhân ở xa. Tùy theo diễn biến của thời tiết, doanh nghiệp sẽ có phương án làm việc cụ thể để bảo đảm an toàn cho người lao động.

Đến chiều 6/9, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nguồn điện dự phòng nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất diễn ra thuận lợi. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ được kiểm tra, bổ sung, thay thế kịp thời. Hầu hết các đơn vị đều tổ chức cắt tỉa cây xanh, gia cố nhà xưởng, che chắn máy móc và di chuyển nguyên vật liệu đến nơi an toàn.

Công ty TNHH Nissei Việt Nam (Cẩm Giàng) kiểm tra lại hệ thống điện, máy móc trước khi thông báo cho công nhân, người lao động nghỉ tránh bão. Ảnh: Báo Hải Dương

Công ty TNHH Nissei Việt Nam (Cẩm Giàng) kiểm tra lại hệ thống điện, máy móc trước khi thông báo cho công nhân, người lao động nghỉ tránh bão. Ảnh: Báo Hải Dương

Tạm dừng thi công nhiều công trình giao thông

Chủ động phòng chống bão số 3, ngành giao thông vận tải Hải Dương đã lên phương án xử lý các vị trí có nguy cơ sạt, trượt, ngập úng. Các nhà thầu, đơn vị thi công tạm dừng thi công các công trình giao thông từ ngày 6/9 đến ngày hết ngày 8/9. Trong ngày 6/9, 3 tổ công tác của Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương.

Sở Giao thông vận tải yêu cầu từ 12 giờ ngày 6/9, tạm dừng thi công toàn bộ các hạng mục tại các công trình giao thông đang thực hiện trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa do sở quản lý. Rà soát, gia cố các kết cấu có nguy cơ ảnh hưởng do bão; tập trung bảo đảm giao thông trước, trong và sau khi bão vào đất liền.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đã tổ chức 3 đoàn phối hợp kiểm tra việc bảo đảm an toàn tại các công trường. Yêu cầu gia cố, chằng chống các lán, trại, nhà ở công nhân để bảo đảm an toàn. Tất cả công trường, đặc biệt là tại công trường thi công cầu, nhà cao tầng yêu cầu di chuyển hệ thống máy móc, cẩu vào nơi an toàn hoặc cố định chắc chắn.

Với các hệ nổi phục vụ thi công cầu (các cầu Bắc Hưng Hải, Phí Xá, Cậy) hoàn thành neo đậu phương tiện chắc chắn, cố định ngoài phạm vi hành lang luồng hoàn thành trước 15 giờ ngày 6/9. Các nhà thầu bố trí cán bộ thường xuyên có mặt tại hiện trường để xử lý khi có tình huống xảy ra.

Các phương tiện thủy neo đậu ở các vị trí an toàn trước khi bão đổ bộ, kiên quyết không cho hoạt động các bến đò ngang, đò dọc khi bão đổ bộ vào đất liền trên các tuyến sông trung ương quản lý. Sở cũng thông báo tạm dừng sát hạch lái xe trong hai ngày 7 và ngày 8/9; yêu cầu các đơn vị dịch vụ vận tải điều chỉnh hoặc thay đổi lịch trình, hành trình cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động vận tải của đơn vị.

Công trường thi công cầu Bắc Hưng Hải, thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ đã tạm dừng các hoạt động từ ngày 6/9. Ảnh: Báo Hải Dương

Công trường thi công cầu Bắc Hưng Hải, thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ đã tạm dừng các hoạt động từ ngày 6/9. Ảnh: Báo Hải Dương

Vận động các hộ dân sơ tán ngay trong tối 6/9

Ngay trong tối 6/9, UBND phường Phạm Ngũ Lão (TP.Hải Dương) đã vận động 132 hộ dân với 370 nhân khẩu đang ở khu tập thể B2, B3 Bình Minh di chuyển tới nơi an toàn để tránh bão số 3.

Sau khi được UBND phường thông báo, phổ biến về tình hình phức tạp, nguy hiểm liên quan đến các tình huống do bão số 3 gây ra, các hộ dân đã ký cam kết di chuyển tới nơi an toàn để tránh bão. Đối với các hộ không tự bố trí được chỗ ở, phường đã bố trí nơi tránh bão tại khu ký túc xá của Trường THCS Lê Quý Đôn. Hiện khu ký túc xá này có 270 giường với đầy đủ chăn đệm, có bếp. Thành phố đã bố trí đủ cơ sở vật chất và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong những ngày di chuyển tránh bão.

Người dân chỉ mang theo những vật dụng cá nhân thiết yếu nhất và cam kết chỉ trở lại nhà khi có thông báo an toàn từ phía chính quyền. Phường đã cử lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ ứng trực để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản cả nơi ở và nơi đến.

Trước đó, ngay sau cuộc họp chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc triển khai công tác ứng phó bão số 3, từ đêm 5/9 Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát công điện số 06 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 trên địa bàn tỉnh này.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, ngành theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, bão, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn về tính mạng, nhất là trẻ em và các trường hợp yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước. Tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại về người và tài sản.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hai-duong-tap-trung-trien-khai-nhanh-nhieu-bien-phap-ung-pho-khan-cap-bao-so-3-92879.html