Hải Dương: Thành phố Chí Linh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023
Năm 2023, thành phố Chí Linh có 13 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có 10 sản phẩm mới và 3 sản phẩm đánh giá lại. Nguyên liệu chính của sản phẩm đều sẵn có ở địa phương đã tạo ra sản phẩm đặc trưng.
Đây là thông tin tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2023 trên địa bàn thành phố Chí Linh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố tổ chức ngày 1/12.
10 sản phẩm mới đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2023 bao gồm xúc xích, nem chua và thịt lợn sạch của Hợp tác xã chăn nuôi và chế biến thực phẩm sạch AnEco (phường Cộng Hòa); bánh chưng Khu Đăng của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Khu (phường Tân Dân); dưa leo Đồng Lạc của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phường Đồng Lạc; giò gia truyền Sâm Nam của hộ kinh doanh Đỗ Văn Nam (phường Phả Lại); hảo hạng muối của Công ty TNHH Mạnh Hùng DT (xã Hưng Đạo); nấm sò Tiến Đạt của hộ kinh doanh Hoàng Tiến Đạt (phường Hoàng Tiến); thanh long ruột trắng Cổ Thành của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cổ Thành; tương nhân Huệ của Tổ hợp tác tương xã Nhân Huệ.
3 sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh sau 3 năm hết hạn được tiến hành tổ chức đánh giá lại gồm có gạo nếp cái hoa vàng Văn An của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phường Văn An; gạo nếp cái hoa vàng An Lạc của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phường An Lạc và cà rốt tươi Nhân Huệ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Nhân Huệ.
Tại hội nghị các đơn vị tham gia đã thuyết trình, giới thiệu các sản phẩm OCOP và được hội đồng thẩm định đánh giá cao. Có 12/13 sản phẩm được hội đồng thẩm định chấm từ 55 điểm trở lên trên thang điểm 100, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trong đó, sản phẩm cà rốt tươi Nhân Huệ đạt hơn 70 điểm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Chí Linh đề nghị hội đồng thẩm định của tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao trong thời gian tới.
Theo hội đồng thẩm định, các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng năm 2023 đã có nhiều cải tiến về chất lượng, nguyên liệu chính của sản phẩm đều sẵn có ở địa phương đã tạo ra sản phẩm đặc trưng; năng lực sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu phân phối thị trường trong thành phố và các tỉnh, thành lân cận.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Chí Linh cho biết, việc thực hiện chương trình OCOP là gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho người sản xuất. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Chí Linh đề nghị chủ sở hữu các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng cần nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu nhằm nâng cấp sản phẩm lên tầm cao hơn.
Đồng thời đề nghị các địa phương trong thành phố cần phối hợp quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm sau khi được công nhận nhằm tạo thế và lực cho chương trình phát triển mạnh hơn trong thời kỳ kinh tế hội nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu nhập cho người dân địa phương.
Sau hội nghị này, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Chí Linh sẽ hướng dẫn các chủ thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Hải Dương đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP năm 2023 cho các sản phẩm của Chí Linh.
Đến nay, sau 4 năm triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm, thành phố Chí Linh đã có 41 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Thời gian tới, thành phố tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất và hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi…